Dệt may đón làn sóng đầu tư ngoại trở lại

|

Thời gian gần đây, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may, do sức hấp dẫn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. \r\n

Lấy lại lòng tin

Còn nhớ, khoảng hơn một năm trước, các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước một phen lao đao do hàng loạt đơn hàng của nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường để tìm đến những khu vực có một số điểm cạnh tranh hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn chỉnh đốn lại các khâu, từ đầu tư công nghệ đến tiết giảm chi phí và điều chỉnh lại những chính sách bất cập, Việt Nam đã sớm lấy lại “phong độ”, lòng tin của các nhà đầu tư ngoại. Các nhà đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc, đồng thời các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam. Điều này được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định là do ngành dệt may nước ta có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao, các DN có thể thực hiện nhiều đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng, cộng với những thay đổi của DN trong nước nên đã quay trở lại. 

Dệt xuất khẩu tại doanh nghiệp Việt trong KCN Vĩnh Lộc. Ảnh: CAO THĂNG

Sự kiện mang dấu ấn nhất gần đây là thương vụ Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi 5 tỷ yen (khoảng 47 triệu USD) để mua thêm gần 10% cổ phần Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại Vinatex lên gần 15%. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Bermuda) có giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc tại Khu công nghiệp VSIP II-A (Bình Dương), với vốn đăng ký 25 triệu USD.

Trước đó, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) cũng đã chi hàng trăm triệu USD cho dự án vải, hóa sợi trong Khu công nghiệp Bàu Bàng, đồng thời tiếp tục ký hợp đồng thuê thêm đất với diện tích lớn ở đây để mở rộng đầu tư. Khu vực phía Bắc, Công ty TNHH Herberton (Singapore) triển khai dự án đầu tư nhà máy dệt và may trang phục Ramatex tại tỉnh Nam Định, tổng giá trị đầu tư khoảng 80 triệu USD. Dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động vào năm tới với công suất 25.000 tấn vải các loại, 15 triệu sản phẩm trang phục/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Có thể nhận thấy, trong lần quay trở lại này, các nhà đầu tư ngoại không chỉ thuần túy gia công mà đa dạng hóa từ đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp với việc thâu tóm, mua lại cổ phần của DN dệt may trong nước. Dự báo, các dự án dệt may sẽ tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam trong thời gian tới. Đến nay, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu.

Ngại thu hút lĩnh vực nhạy cảm

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Vitas tại TPHCM, bên cạnh nỗ lực lấy lại lòng tin nhà đầu tư của ngành dệt may, thì TPP mà nay là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cùng hàng loạt FTA khác đã giúp ngành dệt may được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý và mạnh dạn vào đầu tư. Hiện Việt Nam đã xúc tiến 16 FTA song phương, đa phương.

Trong đó, 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) nếu có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam; bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thuế suất hiện từ mức 10% - 12% sẽ giảm xuống còn 0% khi FTA có hiệu lực. Đây sẽ là động lực, lợi thế rất lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. “Lâu nay, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc dẫn đầu vốn đầu tư về các dự án dệt may vào Việt Nam, nhưng trong thời gian tới Hàn Quốc sẽ dẫn đầu đầu tư lĩnh vực này. Bởi bên cạnh việc ký hiệp định song phương với Việt Nam, Hàn Quốc còn có hiệp định hợp tác với EU nên có nhiều lợi thế để chọn Việt Nam đầu tư”, bà Mai đưa ra dự báo.

Điểm sáng là hàng loạt nhà đầu tư đã và đang tiếp tục rót nhiều vốn vào Việt Nam ở lĩnh vực dệt may. Nhưng gần đây, thay vì hồ hởi mời gọi đầu tư thì nhiều địa phương lại khá dè dặt, đặc biệt ở một số lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm như khâu nhuộm. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, cho biết hiện tại một số địa phương đang ngại tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm lên đến hàng trăm triệu USD.

“Nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ EVFTA (yêu cầu xuất xứ từ vải), CPTPP (yêu cầu xuất xứ từ sợi) là vấn đề xa vời”, đại diện Vitas đặt vấn đề.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương buộc phải tính toán và hạn chế các dự án dệt nhuộm bởi nếu nhà đầu tư không thực hiện việc xử lý môi trường như cam kết thì gánh nặng sẽ đổ lên chính quyền sở tại. Tuy nhiên, cần xem xét cấp phép cho các dự án đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải. Ngoài ra, định hướng quy hoạch các cụm, khu công nghiệp riêng có thể đáp ứng đầy đủ hạ tầng xử lý môi trường và cách xa khu dân cư để thu hút các dự án này.

Trong hội nghị trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị UBND các tỉnh, TP cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất, bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải; không ngăn cản và không kỳ thị ngành dệt nhuộm như hiện nay.