Doanh nghiệp cần thận trọng với hoạt động xuất nhập khẩu

|

Tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam”, nhiều ý kiến khuyến nghị rằng, doanh nghiệp nên thận trọng khi thực hiện các giao kết thương mại xuất nhập khẩu, bởi tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. 

\r\n

Ngày 24-10, tại TPHCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung trâm Hỗ trợ hội nhập Quốc tế TPHCM tổ chức hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam”.

Chương trình thu hút hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp… tham dự. Nhiều ý kiến khuyến nghị rằng, doanh nghiệp nên thận trọng khi thực hiện các giao kết thương mại xuất nhập khẩu, bởi tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. 

Tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Trường Đại học Fulbright Việt Nam lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hàng từ Việt Nam, nhiều khả năng hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hoặc phức tạp hơn là chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hoặc FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tại Việt Nam. Nếu không kiểm soát, ngăn chặn việc chuyển tải hiệu quả, đây có thể trở thành cớ để Việt Nam bị Mỹ trừng phạt kinh tế.

Các chuyên gia, doanh nghiệp, khách mời dự hội thảo ngày 24-10 do VIAC tổ chức. 
Song song đó, tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn cũng sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là máy móc thiết bị cơ khí, điện tử  vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất thuộc các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dạng hóa sản xuất, những tập đoàn này đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi, không chỉ tập trung tại Trung Quốc. Tác động sẽ không quá tiêu cực khi các tập đoàn đa quốc gia điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn. Về trung hạn họ cũng sẽ có sự điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác “nóng” không kém, đó là việc giao kết và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu. Thời gian vừa qua, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác nước ngoài lừa đảo. Phổ biến nhất phải kể tới tình trạng bị quỵt tiền, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản giả mạo, bị từ chối nhận hàng…

Theo các gia về công nghệ thông tin nhận định, khoảng 70% khối lượng công việc được xử lý trên máy tính hoặc dựa vào máy tính như hiện nay khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 khuyến cáo, doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa thị trường, đối tác (không phụ thuộc vào một đối tác nhất định); nghiên cứu bổ sung kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; sử dụng dịch vụ tư vấn thông tin về doanh nghiệp, thị trường; rà soát thông tin đối tác từ phía các bộ ngành…