Mỹ cần châu Phi

|

Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Đại sứ quán Mỹ ở Gabon nhân vừa kết thúc chuyến thăm 3 nước châu Phi (gồm Nam Phi, Angola và Gabon), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đánh giá chuyến công du thành công và đạt nhiều hiệu quả. 

Người dân xếp hàng nhận cứu trợ tại Nam Phi. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Sherman dẫn lại phát biểu của Ngoại trưởng Blinken vào tháng 11-2021 rằng Mỹ sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình trên toàn thế giới nếu thiếu sự ủng hộ của các chính phủ, thể chế và công dân châu Phi. 

Tại Nam Phi, bà Wendy Sherman và các quan chức Nam Phi thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác Mỹ - Nam Phi trong một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, nhấn mạnh an ninh khu vực, thương mại, đầu tư, y tế và chống biến đổi khí hậu. Với Angola, Mỹ xem nước này là trụ cột trong lực lượng gìn giữ hòa bình toàn châu Phi và Washington sẽ giúp Angola hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Trong chặng cuối, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh đến hợp tác bảo vệ môi trường, nhất là chống biến đổi khí hậu, khi Gabon có hơn 80% lãnh thổ là rừng và hơn 10% đất nước được dành làm công viên quốc gia.

Thứ trưởng Sherman nhấn mạnh, mục đích chuyến công du là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối tác của Mỹ với các nước khu vực trên cơ sở tham vấn và đối thoại cởi mở để tìm ra các điểm chung, cũng như giải quyết những bất đồng. Hiện có hơn 600 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Nam Phi và tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động địa phương. Mỹ cũng cam kết cung cấp cho Angola khoản hỗ trợ hơn 25 triệu USD thông qua sáng kiến Global VAX của Washington về tiếp cận vaccine Covid-19 trên toàn cầu...

Đặc biệt, trong chiến lược chống khủng bố, châu Phi trở thành tiền đồn của Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ không ngừng huấn luyện hàng ngàn binh sĩ châu Phi, từ lính bộ binh diễn tập các cuộc tấn công chống khủng bố ở rìa sa mạc Sahara đến các chỉ huy cấp cao theo học tại Học viện Quân sự ở West Point, Mỹ. Theo các chuyên gia về quan hệ quốc tế, cách tốt nhất để giảm thiểu mối đe dọa khủng bố từ châu Phi là Mỹ nên tăng cường đầu tư hơn nữa vào châu lục. Trong giai đoạn 2011-2020, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào châu Phi gia tăng rõ rệt so với thập niên 2001-2010, đạt 47,5 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, châu Phi hiện vẫn là khu vực thu hút FDI ít nhất từ Mỹ.