Di dời nhà ở ven kênh rạch: Áp dụng chính sách của nhà ở xã hội để hỗ trợ người dân

|

Chiều 13-6, Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục bước vào phiên thảo luận tổ.

Kịch bản kinh tế năm 2024 của TPHCM khả quan

Thảo luận về kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, cần đặt điều kiện kinh tế - xã hội của TPHCM trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và thế giới. Thời gian qua, sức mua của thị trường giảm đi mặc dù TPHCM có nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi. Đó là hệ quả của các chỉ số kinh tế năm trước chưa tốt, người lao động gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập...

Trước tình hình chung đó, điều tích cực là chương trình bình ổn thị trường tiếp tục phát huy tác dụng, trở thành kênh mua sắm đáng tin cậy cho người thu nhập trung bình thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho TPHCM. Tín hiệu tích cực nữa là ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ở góc độ của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện phó, đánh giá kịch bản kinh tế năm 2024 của TPHCM đến giờ này là khả quan. Theo TS Trương Minh Huy Vũ, đánh giá gần nhất của các tổ chức ngân hàng thế giới dự báo kinh tế Việt Nam năm nay khoảng 5,5%, như vậy kinh tế TPHCM đạt khoảng 6,5-7%.

Tiếp tục theo dự báo này, năm 2025 và 2026, nếu không có cú sốc nào lớn thì dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 đạt khoảng 6,3% và đạt 6,7 vào năm 2026. Như vậy, năm 2025, tăng trưởng kinh tế TPHCM có thể đạt 7,5-8% và năm 2026 đạt 8%. Cũng theo TS Trương Minh Huy Vũ, tăng trưởng là một chỉ số, song quan trọng hơn là bối cảnh tăng trưởng của thành phố, đặc biệt trong nhiệm kỳ này. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng nhắc lại 4 chỉ dấu để theo dõi, tính toán chỉ số tăng trưởng mà các đồng chí Thường trực Thành ủy từng chỉ ra, đó là: xử lý tồn đọng, phục hồi sau dịch Covid-19, đạt các chỉ số tăng trưởng và kiến tạo nền tảng phát triển mới. Theo TS Trương Minh Huy Vũ, trong bối cảnh này, chúng ta rà soát kinh tế - xã hội của thành phố, dù không đạt như kỳ vọng nhưng có những yếu tố của 4 chỉ dấu đó là có hiệu quả.

Về rà soát 26 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, theo TS Trương Minh Huy Vũ, đến nay, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Cục Thống kê TPHCM đã rà soát và nhận thấy trong đó có 9 chỉ tiêu có khả năng khó đạt được, do đó rất cần giải pháp cụ thể hơn nữa để triển khai nhanh trong thời gian 1,5 năm tới.

Quy hoạch đô thị phải dài hơi hơn

Vấn đề quy hoạch là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh đánh giá, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM lần này nhận diện những việc chưa thực hiện được và có tính kế thừa quy hoạch chung trước đây. Đó là hình thành 5 thành phố trực thuộc TPHCM trong tương lai để giải tỏa áp lực cho khu vực trung tâm. Theo Chủ tịch UBND quận 7, phải định hình các khu lõi trung tâm của các thành phố này để tập trung nguồn lực phát triển ngay sau khi được phê duyệt. Đặc biệt là tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Có như vậy, khi TPHCM chuyển các huyện thành thành phố thì mới có đủ cơ sở hạ tầng để phát triển.

Theo Chủ tịch UBND quận 7, điểm mới là quy hoạch chung lần này đã nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình phù hợp với các đô thị lớn và được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Với mô hình này, vừa phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị nén đa tầng sẽ giải quyết được vấn đề kết nối của TPHCM.

Bên cạnh đó, đô thị nén cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề lớn của TPHCM hiện nay là phát triển nhà ở, di dời nhà ven kênh rạch. TPHCM đã có nhiều dự án, chương trình để di dời nhà ven kênh rạch nhưng đến nay chưa có dự án nào được hình thành, chưa giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân. Chủ tịch UBND quận 7 khẳng định, nếu vẫn thực hiện theo lối mòn cũ về phương án giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân thì sẽ không giải quyết được. Vì vậy, quan điểm của TPHCM trong quy hoạch chung về phát triển đô thị nén áp dụng cho nhà ở ven kênh rạch là phù hợp, nhất là những địa phương có nhiều nhà ven kênh rạch.

Trao đổi thêm về nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đầu nhiệm kỳ, TPHCM đặt mục tiêu di dời 6.500 nhà ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn và dự kiến đến cuối nhiệm kỳ thực hiện được khoảng hơn 4.000 căn. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, tìm phương án, cơ chế giải quyết. Một trong những cơ chế được tính đến là áp dụng chính sách của nhà ở xã hội (thuê mua) để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Đồng chí cũng nhấn mạnh, nếu cứ loay hoay phương án bồi thường, hỗ trợ thì sẽ không thể giải quyết được.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu có ý kiến về vấn đề quy hoạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng góp ý về quy hoạch, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu nhấn mạnh, đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, là bước khởi đầu để chúng ta triển khai nhiều nội dung khác. Đồng chí nhấn mạnh việc quy hoạch giao thông, đô thị của TPHCM có thời gian chỉ vài chục năm là chưa ổn. Trong khi trên thế giới, các nước quy hoạch mảng này kéo dài và có tầm nhìn từ 70-100 năm.

Hiện tại, quy hoạch giao thông của thành phố cũng đang là vấn đề băn khoăn. Theo tài liệu đồng chí nghiên cứu, diện tích dành cho giao thông của các thành phố phải đạt 12%. “Vậy hiện diện tích giao thông của TPHCM đạt bao nhiêu phần trăm?”, đồng chí Ngô Minh Châu đặt câu hỏi và cho biết phương tiện giao thông ở thành phố tăng rất nhanh, chẳng hạn Vingroup ra một lúc mấy ngàn taxi và bài toán đặt ra là lượng xe này lưu thông ra sao, đậu ở đâu? Thành phố chịu áp lực ngày càng lớn về hạ tầng giao thông, do đó phải tính toán cho được về hạ tầng giao thông trong quy hoạch đô thị.

Đề cập thêm về tính cấp thiết của quy hoạch không gian ngầm TPHCM, đồng chí Ngô Minh Châu đánh giá nội dung này thực hiện tốt sẽ tăng thêm nguồn tài nguyên rất lớn cho thành phố.

Thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh đề án quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo chất lượng để khi ban hành phải khả thi. Trong đó, phải xác định được những nội dung then chốt; các nguồn lực, mô hình kinh tế nào sẽ là mô hình kinh tế chủ đạo của TPHCM... Theo đồng chí, điều cốt yếu nhất của một đô thị phát triển là đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân, vì vậy phải làm rõ hơn nữa về lĩnh vực văn hóa, phúc lợi xã hội.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý đến tính đồng bộ của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống. Đồng thời, đảm bảo công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng phải được thực hiện một cách đồng bộ, hoàn thành trong vòng 4-5 năm để đủ cơ sở triển khai thuận lợi. Bên cạnh đó cần lưu ý ưu tiên phương án sử dụng nguồn lực tài chính từ việc tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD.

TPHCM thảo luận về thẩm quyền người đứng đầu trong tạm đình chỉ công tác đối với cấp dưới

Xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong quy hoạch TPHCM

Bí thư Thành ủy TPHCM: Tìm cho được bản chất của hạn chế để khắc phục