Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng hội nhập sâu hơn

|

Theo dự kiến, tháng 9-2024 tại TP Hà Nội, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức “Diễn đàn về hoạt động giám sát tối cao”. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng đây là sáng kiến rất hay, đặc biệt trong bối cảnh còn có những ý kiến khác nhau liên quan đến khái niệm giám sát của Quốc hội.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, diễn đàn lần này sẽ hướng đến đổi mới hoạt động giám sát ra sao?

TS NGUYỄN SĨ DŨNG: Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có đề ra nhiệm vụ liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội.

Theo nghị quyết này, những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội như phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát… cần được xác định rõ hơn và phù hợp hơn với thực tiễn.

Thực tiễn ở các nước, phạm vi, đối tượng giám sát của Quốc hội hẹp hơn so với của Quốc hội nước ta khá nhiều. Ngay cả phương pháp, hình thức giám sát của họ cũng có những điểm rất khác với của chúng ta.

Vì vậy theo tôi, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội nước ta cần được triển khai theo hướng hội nhập sâu hơn với các chuẩn mực của thế giới.

Để làm cơ sở đánh giá toàn diện về hoạt động giám sát của Quốc hội, theo ông, đâu là nội dung cần quan tâm?

Trước hết là khung pháp lý và thể chế, trong đó xem xét các quy định của Hiến pháp và pháp luật xác định và trao quyền cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá tần suất, chất lượng các cuộc tranh luận và câu hỏi đặt ra cho nhánh hành pháp trong các phiên họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, xem xét hiệu quả của các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, các báo cáo và khuyến nghị giám sát. Một vấn đề nữa đó là đánh giá tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trong quá trình giám sát. Chẳng hạn, đánh giá kết quả, trách nhiệm giải trình và khả năng phản hồi của Chính phủ, như việc thực hiện chính sách và chương trình tốt hơn không, nếu không thì lý do là gì...

Đi cùng với đó, tôi cho rằng cần quan tâm đánh giá cơ chế phản hồi về mức độ hiệu quả của giám sát của Quốc hội. Bằng cách đánh giá có hệ thống các yếu tố, chúng ta có thể đo lường mức độ hiệu quả của giám sát của Quốc hội và xác định các lĩnh vực cần củng cố chức năng quan trọng này của cơ quan lập pháp.

Một phiên họp của Quốc hội khóa XV trong kỳ họp thứ 7 vừa qua. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ông, diễn đàn tới đây cần quan tâm đến vấn đề cốt lõi nào trong hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước và tổ chức quốc tế?

Việc xây dựng mạng lưới kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các nghị viện và các tổ chức quốc tế có thể thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong giám sát. Theo tôi, đó là chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn giúp các quốc gia học hỏi lẫn nhau về cách thức giám sát hiệu quả.

Trong đó, hỗ trợ kỹ thuật cho nhau trong việc phát triển các công cụ giám sát, như hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các phần mềm quản lý. Các chương trình đào tạo và phát triển năng lực dành cho các đại biểu Quốc hội, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Quốc hội để giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công tác giám sát của Quốc hội.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Là người gắn bó lâu năm với Quốc hội, ông có hiến kế, góp ý cụ thể nào?

Nói hiến kế và góp ý cho Quốc hội thì to tát quá. Nhưng theo thiển ý của tôi, chúng ta nên sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và các chuẩn mực phổ quát của thế giới.