Tinh gọn bộ máy để phát triển

|

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Đây cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận thường xuyên suốt nhiều năm qua, thậm chí suốt những nhiệm kỳ qua. Tổng Bí thư Tô Lâm khi thảo luận về dự thảo nghị quyết này đã khẳng định đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước (ngày 1-8-2007) đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. Thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên và tại xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, nhưng cách thức tiến hành như thế nào là vấn đề rất lớn, phải tính đến; sắp tới các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được.

Nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết Trung ương trong nhiều nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; trước hết là nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách. Dẫn chứng cho vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, tức tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp; trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng - an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

Với khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, chúng ta khó tăng lương được như mong muốn, vì nếu tăng lương, ngân sách chi cho trả lương sẽ phình lên đến 80-90%, không còn nhiều ngân sách dành cho các hoạt động khác. Chính phủ mới đây đã đề xuất chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp người có công trong năm 2025; đến năm 2026 sẽ đánh giá Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, sau đó mới tiếp tục thực hiện cho phù hợp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều bộ, ngành có bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin - cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Có nhiều việc cùng được nhiều cơ quan “ôm”, nhưng hỏi đến trách nhiệm chính thì không biết quy cho ai. Các doanh nghiệp đều kêu ca thủ tục đầu tư dự án rất phức tạp, phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản... Đó là những bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản, thời gian, cơ hội của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước mà nếu không tinh gọn bộ máy thì dễ gây những hệ lụy “ăn mòn nền tảng phát triển” của quốc gia. Bộ máy cồng kềnh sẽ gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Bên cạnh vấn đề bộ máy, vấn đề thủ tục hành chính qua nhiều tầng nấc cũng gây bức xúc cho người dân.

Chủ trương của Đảng về vấn đề này đã rõ, song cần thêm những giải pháp căn cơ để tư tưởng này thấm đến từng chi bộ, đảng viên; nhiệm vụ tinh giản biên chế không chỉ là của Bộ Nội vụ, các cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước…

Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển đất nước. Mỗi quy trình cần được tinh gọn, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tài nguyên, đồng thời cũng là cách để nhà nước tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa quản trị. Chỉ có như thế, chúng ta mới có nhiều cơ hội để bứt phá phát triển, không bị “sốt ruột” khi so sánh với sự phát triển của các quốc gia khác.