Nỗ lực kéo giảm số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng

|

Tuy số vụ cháy nổ trong năm 2018 có giảm, song số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng trở lên…) vẫn ở mức cao, thậm chí tăng báo động ở một số quý.\r\n

Trước tình hình trên, Công an TPHCM đã yêu cầu lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) thành phố phải phối hợp với các ban ngành, quận huyện, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp căn cơ để kéo giảm cháy nổ xảy ra trong năm 2019; đặc biệt là những vụ cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả để lại

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an TPHCM),  trong năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 672 vụ cháy nổ, làm chết 27 người, bị thương 83 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 13,5 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là các quận 9, 12, Bình Tân và hai huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

Về lĩnh vực xảy ra cháy, nhà ở đơn lẻ xảy ra cháy nhiều nhất trong năm 2018 với 217 vụ, tiếp đến là loại hình công ty, cơ sở sản xuất với 116 vụ. Đáng chú ý, năm 2018, xảy ra nhiều vụ cháy chung cư gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) làm 13 người chết, 51 người bị thương.

Theo lãnh đạo PC07, mặc dù tổng số vụ cháy nổ trên địa bàn thành phố trong năm 2018 có giảm, tuy nhiên tính chất các vụ cháy lại diễn biến rất phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy lớn là ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân chưa cao, kiến thức phòng cháy còn hạn chế.

Cảnh sát PCCC điều tra nguyên nhân một vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn quận Bình Tân
“Cụ thể nhất là khi xảy ra cháy, người dân, chủ cơ sở, tổ chức quản lý sở tại thường không báo ngay đến cảnh sát PCCC mà cố gắng dập lửa vì sợ bị xử phạt, phiền toái. Đến khi lửa lan rộng, cháy lớn mới điện báo, lúc này thì quá muộn…”, đội trưởng một đội chữa cháy khu vực của PC07 nêu thực tế.

Ngoài ra, việc đầu tư, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ chưa thực sự được chính quyền, ngành chức năng quan tâm. Ở các công ty, chung cư, nhà cao tầng, cơ sở sản xuất… phần lớn lực lượng này hoạt động chưa đảm bảo với yêu cầu.

Số lượng thành viên trong đội chữa thường xuyên thiếu hoặc kiêm nhiệm nhiều việc; một số nơi, người tham gia lực lượng PCCC tại chỗ có tuổi đời cao, không đủ sức, thiếu kiến thức để thực hiện các thao tác chữa cháy, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, theo dõi, giám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của ngành PCCC có lúc có nơi buông lỏng, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay để vi phạm tồn tại. Công tác tuyên truyền về PCCC hầu hết còn hình thức, chưa thiết thực dẫn đến chủ cơ sở, người lao động chưa nắm rõ, đánh giá hết tính chất nguy hiểm của cháy nổ, kéo theo ý thức kém, phòng ngừa chưa hiệu quả.

Xử lý cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao

Để kéo giảm số vụ cháy nổ xảy ra trong thời gian tới, nhất là cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng PC07 - Công an TPHCM, cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các quận huyện, sở ngành tập trung xử lý 2.000 cơ sở tồn tại trước khi có Luật PCCC.

Đây là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, không được trang bị, xây dựng hệ thống PCCC, ít chịu giám sát của ngành chức năng. Cụ thể, Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với các quận huyện tổng rà soát và phân loại mức độ vi phạm, nguy hiểm để có phương án khắc phục cụ thể cho từng nhóm cơ sở.

Với cơ sở khi được nhắc nhở, yêu cầu khắc phục hạn chế những vẫn để vi phạm tồn tại kéo dài, ngành PCCC sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Những trường hợp bất chấp, không khắc phục, ngành PCCC sẽ phối hợp với chính quyền, cơ quan có thẩm quyền liên quan cương quyết đình chỉ hoạt động.

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã vạch ra theo kế hoạch. Trong đó, tập trung vào giải pháp chính là tuyên truyền kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng yêu cầu ngay lúc này, các đội cần chủ động suy nghĩ, tham mưu cho thành phố các hình thức tuyên truyền sinh động, thiết thực để thực hiện bằng được việc nâng cao ý thức trong PCCC cho người dân. Chỉ khi nào người dân ý thức tốt thì việc kéo giảm cháy nổ mới khả thi.

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, người đứng đầu các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện, nêu cao tính gương mẫu. Ngoài nhiệm vụ tổ chức, theo dõi hoạt động kiểm tra, chỉ huy các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là ở thời điểm cận tết.

“Khi tiếp nhận tin báo cháy, thủ trưởng đơn vị, chỉ huy không những khẩn trương đến hiện trường mà còn phải nhận định được tính chất, đánh giá được diễn biến vụ cháy để có phương án dập lửa, cứu nạn hiệu quả”, Đại tá  Nguyễn Thanh Hưởng lưu ý.

Một số giải pháp trọng tâm

Công tác xây dựng lực lượng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ. Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình công tác và chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, đặc biệt đối với các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với nhân dân.

Công tác phòng cháy: Xây dựng quy trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động PCCC và CNCH; quy định rõ về hình thức, nội dung, phương thức thực hiện với từng đối tượng. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, đảm bảo 100% cơ sở thuộc diện quản lý phải có đội ngũ PCCC tại chỗ đủ mạnh để xử lý có hiệu quả các vụ cháy nổ, CNCH xảy ra ở cơ sở.

Công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ: Xây dựng phương án tác chiến điện tử phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy và CNCH. Ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống camera quan sát hiện trường, truyền dữ liệu về Trung tâm Thông tin chỉ huy; triển khai các phần mềm quản lý đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, phù hợp với chức năng nhiệm vụ trong tình hình mới... giúp công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và CNCH kịp thời, hiệu quả hơn.