Tầm quan trọng của các kỹ năng

|

Dư luận không khỏi bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể thương tâm ở trẻ em thời gian qua. Đến nay, số trẻ em bị đuối nước đã giảm được khoảng 1/3 so với năm 2015, từ trên 3.000 em xuống dưới 2.000 em/năm. Tuy nhiên, để xảy ra đến con số trên cũng khiến rất nhiều người xót xa.\r\n

Lực lượng Cảnh sát PCCC cứu nạn, cứu hộ tại Kênh T2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi

Dạy trẻ biết bơi liệu đã đủ?

Chỉ mới qua hết tháng 4 - giai đoạn cao điểm nắng nóng - đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Từ đó, vấn đề quan trọng đặt ra cho người lớn là liệu dạy trẻ em biết bơi đã đủ hay chưa?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Trung tá Dương Văn Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an TPHCM, cho biết: “Mỗi năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp của thành phố tham gia hàng trăm vụ CNCH dưới nước. Nếu chỉ dạy trẻ kỹ năng bơi lội là chưa đủ, song song đó cần dạy kỹ năng bơi lội an toàn, kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu”.

Theo Trung tá Dương Văn Thành, về phía nhà trường, cần dùng nhiều hình thức, biện pháp truyền tải sinh động đến học sinh các kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước, bơi lội an toàn.

Theo thông lệ, học sinh các bậc học thường kết thúc kỳ thi học kỳ 2 trước khi nghỉ hè cả tuần. Vì vậy, thời gian sau thi và trước nghỉ hè là thời gian lý tưởng để các trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về kiến thức bơi lội an toàn.

Bên cạnh đó, cần vận động cộng đồng vào cuộc giám sát, bảo vệ, thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn, những nơi có cảnh báo nguy hiểm về đuối nước. Địa phương cũng cần tính tới việc cử người thường xuyên trông coi ở những địa điểm nguy hiểm này, đặc biệt vào cao điểm mùa hè.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đang tham mưu Công an TPHCM xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an TP. Trong đó, khuyến khích thân nhân cán bộ chiến sĩ tham gia tập huấn về các kỹ năng bơi lội cơ bản.

Cách xử lý khi gặp nạn nhân đuối nước 

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để phòng tránh và xử lý khi bị tai nạn dưới nước. Khi gặp các sự cố dưới nước, thường nạn nhân sẽ bị hoảng loạn, uống nhiều nước và gần như không thể tự mình xử lý được.

Đối với các vụ tai nạn, sự cố thông thường thì một người biết bơi kết hợp với các kỹ thuật cơ bản là có thể cứu giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Trước hết, nếu nạn nhân không ở quá xa bờ, dòng chảy không mạnh, người cứu không biết bơi thì có thể sử dụng sào, gậy dài, hoặc ném các vật có thể nổi như can, thùng, phao tới vị trí nạn nhân để kéo nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân bị nạn ở xa bờ, đòi hỏi phải có người tiếp cận vị trí nạn nhân để ứng cứu.

Nếu như có thuyền, bè tại vị trí này, ưu tiên sử dụng để tiếp cận nạn nhân. Nếu không có thuyền, bè thì người xuống cứu nạn nhân phải biết bơi, đồng thời mang theo phao, can, thùng bơi tới vị trí nạn nhân để cho nạn nhân ôm lấy các vật này, sau đó kéo nạn nhân vào bờ.

Đối với biện pháp này, khi người cứu bơi tới vị trí nạn nhân cần bơi vòng ra phía sau, tránh tiếp cận từ phía trước sẽ bị nạn nhân ôm chặt và dìm xuống nước.

Trường hợp không có các vật dụng như phao, dây, người cứu biết bơi có thể tiếp cận vị trí nạn nhân và sử dụng kỹ thuật bơi ếch ngữa để tiếp cận nạn nhân từ phía sau; dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phía trên người cứu; người cứu bơi ngữa sử dụng kỹ thuật chân bơi ếch để đưa nạn nhân vào bờ.

Lưu ý, giữ cho mặt nạn nhân luôn ở phía trên mặt nước. Hoặc cũng có thể sử dụng kỹ thuật bơi ếch nghiêng tiếp cận phía sau nạn nhân, một tay vòng ra phía trước luồn xuống dưới nách nạn nhân, bơi nghiêng đưa nạn nhân vào bờ. 

Sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, nếu nạn nhân bất tỉnh cần tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu. Đặt người bị nạn nằm nơi bằng phẳng, thoáng mát. Kiểm tra tình trạng xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực, sử dụng tai để nghe hơi thở nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân không còn thở, cần tiến hành hỗ trợ hô hấp cho nạn nhân. Đặt nạn nhân nằm ngửa an toàn, chân tay duỗi thẳng tự nhiên, làm thông thoáng đường thở cho nạn nhân bằng cách sử dụng vải sạch, bông gạc để móc hết đờm, dị vật trong miệng nạn nhân ra ngoài.

Người cứu tiếp cận từ phía chân nạn nhân, quỳ xuống ngang đùi, sử dụng gốc bàn tay đặt vào vị trí thượng vị (phía dưới xương ức, trên rốn) sử dụng lực của cơ thể ép, đẩy dị vật, nước trong đường thở ra ngoài. Sau khi đã làm thông thoáng đường thở, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.