Nguy cơ hỏa hoạn trong “tháng cô hồn”

|

Theo văn hóa và tín ngưỡng dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Đây là thời điểm người dân tiến hành rất nhiều hoạt động thờ cúng, tâm linh để mong cầu sự bình an, tránh xui xẻo trong cuộc sống và công việc. Nhưng ở góc độ công tác PCCC, đây cũng là khoảng thời gian nguy cơ gây hỏa hoạn tăng cao.\r\n

Sự chủ quan khi đốt vàng mã của người dân gây nguy cơ cháy nổ cao

Nhiều vụ cháy do thờ cúng

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động thờ cúng của người dân. Điển hình như vụ cháy xe bồn chở xăng ở Móng Cái (Quảng Ninh) hồi tháng 8-2016, lực lượng chức năng xác định là do tàn lửa từ việc thắp hương, đốt vàng mã của gia đình ở ngay cạnh cửa hàng xăng dầu Ka Long, phát tán đúng lúc xe bồn đang bơm xăng xuống bể chứa.

Ngày 15-9-2018, hàng ngàn cư dân sống tại chung cư Gold View (TPHCM) phải sơ tán khẩn cấp trong đêm vì có cháy tại một căn hộ ở tầng 20 thuộc block B của tòa nhà. Cơ quan chức năng xác định do một hộ dân lúc đốt vàng mã ngoài hành lang đã để lửa bén sang nhiều tấm bìa carton bên cạnh khiến lửa bùng phát. 

Tại Hà Nội vào tháng 10-2018, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 7 tầng ở đường Hào Nam, gần ngã tư Hào Nam - Đê La Thành, khiến cột viễn thông lớn trên nóc nhà và nhiều đồ đạc trong ngôi nhà bị thiêu rụi. Nguyên nhân gây cháy là do chủ nhà đốt vàng mã nhân ngày mùng 1 âm lịch…

Vẫn còn sự chủ quan

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hỏa hoạn từ hoạt động thờ cúng như thế, song trên thực tế không ít người dân vẫn còn tỏ ra thờ ơ, mất cảnh giác, thậm chí là cố tình xem nhẹ. Bằng chứng là những sự việc như: một chủ xe tiến hành thắp hương trên nắp capo để cúng ô tô ngay tại tầng hầm của chung cư Thảo Điền Masteri (TPHCM); một cụ ông đốt vàng mã cháy rực một góc cầu thang nhà D3 - khu tập thể Thành Công (Hà Nội); nam sinh viên đốt vàng mã ở lan can chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội)… vẫn còn là thực trạng khá phổ biến. Trong những ngày tháng 7 âm lịch, một hình ảnh rất dễ bắt gặp trên khắp các con phố, tuyến hẻm tại địa bàn TPHCM là người lập bàn thờ cúng với nhang đèn nghi ngút khói trước cửa nhà, trước đầu ô tô, xe máy và sau đó kết thúc nghi lễ bằng việc đốt vàng mã ngay trên nền đất, để mặc cho gió thổi tàn tro còn đỏ rực bay tứ tung.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC đối với nhiều loại hình cơ sở, lực lượng PCCC (Công an TPHCM) cũng thường xuyên bắt gặp và nhắc nhở người dân về vấn đề bố trí, sắp xếp hàng hóa dễ cháy không đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực thờ cúng. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra từ hoạt động thờ cúng, nhất là trong khoảng thời gian “tháng cô hồn” năm nay, lực lượng PCCC liên tục khuyến cáo các hộ dân và doanh nghiệp lưu ý đảm bảo an toàn về PCCC; đồng thời tăng cường ra quân kiểm tra, giám sát các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ do thờ cúng.

Tín ngưỡng, tâm linh là nhu cầu về đời sống tinh thần, đồng thời cũng là một nét văn hóa nên rất cần được tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, hoạt động thờ cúng đòi hỏi phải trở nên văn minh hơn, nghĩa là phải được diễn ra theo đúng pháp luật, đảm bảo an toàn về PCCC... Có như vậy thì giá trị và nét đẹp thuần túy của văn hóa tín ngưỡng mới được nâng cao.