Nhà ở kết hợp kinh doanh: Làm sao để sống an toàn?

|

Nhà ở kết hợp kinh doanh đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM, trên 50% vụ cháy, nổ tại TPHCM xảy ra ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại 83% về người và tài sản trong tổng số vụ.\r\n

Hiện trường vụ cháy trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11

Hậu quả nặng nề

Nguy hiểm về cháy nổ với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh tựu trung ở những nguyên nhân cơ bản: xây dựng bằng vật liệu dễ cháy, chứa nhiều hàng hóa dễ cháy nổ và hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC. Quá trình sản xuất, kinh doanh không hoặc chưa đăng ký kinh doanh nhưng đã đi vào hoạt động, ngành nghề kinh doanh liên quan đến các loại hóa chất nguy hiểm về cháy nổ nhưng bất cẩn, không đảm bảo an toàn... Vụ cháy làm 8 người chết ngày 7-5 trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11 là ví dụ cụ thể.

Hiện trường vụ cháy là căn nhà 1 trệt, 2 lầu, tổng diện tích 126m2 trong hẻm sâu. Đây là cơ sở sản xuất keo sáp, đèn cầy. Thông qua ứng dụng Help 114, người dân truyền hình ảnh trực tuyến tại hiện trường vụ cháy và gửi hình ảnh cũng như vị trí điểm cháy về cho Trung tâm thông tin chỉ huy 114, nhờ vậy Công an TPHCM đã điều động lực lượng, phương tiện đến ngay hiện trường, nhưng do địa điểm xảy ra cháy nằm trong hẻm nhỏ (rộng chỉ hơn 1m) và hẻm cụt, xe máy dựng dọc hai bên, trước và trong nhà chất nhiều thùng phuy đựng hóa chất, nên việc tiếp cận hiện trường chữa cháy và cứu người gặp nhiều khó khăn. 

Về nguyên nhân vụ cháy, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng Phòng PC07, Công an TPHCM cho biết: “Công nhân trong quá trình khiêng thùng xi đánh bóng gạch vừa nấu xong, vô ý làm đổ xuống sàn nhà, chảy lan ra bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy nên gây cháy và tạo ra tiếng nổ lớn là do các thùng hóa chất dưới sức nóng của lửa, nhiệt độ tăng cao, giãn nở bung nắp thùng. Quá trình chữa cháy nếu chúng tôi không đưa ra chiến thuật phù hợp, chữa cháy hiệu quả sẽ cháy cả khu vực, gây ra chấn động dẫn đến sụp đổ công trình và cháy lan ra khu dân cư”.

Trung tá Đào Quốc Trung, Tổ trưởng Cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07 là trinh sát trực tiếp tìm kiếm và cứu người bị nạn trong các vụ cháy chia sẻ: “Cháy nhà ở kết hợp kinh doanh lại nằm trong khu dân cư thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Như vụ cháy xảy ra trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, thời gian cháy lâu, nhà chật hẹp nên khói khí độc quyện chặt, nung nóng kết cấu công trình, dẫn đến khả năng sập đổ rất cao. Nhà chỉ có 1 cửa chính, xe máy và vật dụng để ngổn ngang, khi sự cố cháy xảy ra thì không còn đường thoát.

Theo Phòng PC07, trong năm 2020, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 269 vụ cháy làm chết 11 người, bị thương 22 người, chủ yếu tập trung ở loại hình nhà ở đơn lẻ. Riêng từ tháng 3-2021 đến nay, TP đã xảy ra nhiều vụ cháy, khiến 17 người thiệt mạng. Có thể thấy tình hình cháy, nổ ở nhà ở, hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm tỷ lệ cao, và khi xảy ra cháy thường gây thiệt hại về người hết sức nghiêm trọng. 

Cần trang bị kiến thức để sống an toàn 

Trước thực tế của TPHCM, Phòng PC07 Công an TPHCM dự báo, tình hình cháy nổ ở lĩnh vực nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm. Lý giải điều này, Thượng tá Đỗ Văn Kháng cho biết, bên cạnh ý thức chấp hành các quy định PCCC của một bộ phận người dân, chủ cơ sở còn kém, có nhiều nguyên nhân khác. Dù việc quản lý đối với các cơ sở kinh doanh trên về công tác PCCC đã được phân cấp về đến cấp xã, cụ thể với các cơ sở thuộc Phụ lục IV của Nghị định 136 ngày 24-11-2020 của Chính Phủ thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường quản lý, tuy nhiên hiện tại, UBND cấp xã, phường vẫn còn lúng túng, chưa điều tra cơ bản các cơ sở trên và chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. “Nếu những tồn tại không được khắc phục và giải pháp không cụ thể, tôi lo rằng những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng ở lĩnh vực nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ tiếp tục”, Thượng tá Đỗ Văn Kháng lo lắng. 

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, Phòng PC07 Công an TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM Dự thảo Quy định các điều kiện an toàn PCCC cụ thể đối với loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Đồng thời Công an TP cũng kiến nghị các cấp ngành, UBND quận, huyện, UBND cấp xã cần sâu sát hơn nữa trong kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định PCCC để nâng cao tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, cố tình vi phạm. Nâng cao năng lực giám sát, quản lý đối với nhà ở kết hợp kinh doanh về PCCC, kịp thời điều chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm. Ngành điện lực TP phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng PCCC để xử lý, ngăn chặn triệt để các vi phạm PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. 

Theo Phòng PC07, người dân cần thay đổi một số thói quen. Đối với cửa có nhiều khóa, nên dùng khóa có kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt và quy định nơi để chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Đối với cửa phía trong nhà, nên dùng loại chốt gạt, hạn chế dùng khóa. Người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; nếu lắp thì phải có chốt trong và không được khóa. Các hộ nên chuẩn bị thang, thang dây để thoát nạn. 

Ngoài ra, người sống ở nhà phố nên trang bị và hiểu rõ kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy. Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, nếu có hư hỏng, cần sửa chữa, thay mới ngay. Đặc biệt để chủ động phòng chống cháy nổ, mọi người dân, nhất là chủ các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần cài đặt ngay ứng dụng Help 114 trên điện thoại để báo ngay sự cố cháy nổ cho Tổng đài 114, để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có thể đến ứng cứu kịp thời.