Tăng cường phòng cháy ở khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19

|

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, ngoài các khu cách ly, thành phố có không ít bệnh viện dã chiến, các khu vực được trưng dụng điều trị bệnh. Ngoài việc tích cực điều trị cho các bệnh nhân, những khu vực này cần đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).\r\n

Kiểm tra các khâu và công tác PCCC tại một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19

Những bài học đau lòng

Ngày 23-4-2021, một vụ hỏa hoạn đã bất ngờ xảy ra tại Bệnh viện Virar (TP Mumbai, miền Tây Ấn Độ) khiến hơn 13 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phòng điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19. Ngày 24-4, ít nhất 27 người tử vong trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một bệnh viện điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Baghdad, Iraq. Ngọn lửa bắt nguồn từ một phòng chăm sóc đặc biệt chuyên về phổi. Nguyên nhân gây ra đám cháy là do một bình dưỡng khí cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 phát nổ. Tiếp đó, ngày 12-7, tại Bệnh viện Al-Hussain (Iraq), đã có 92 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương sau một vụ nổ tại đây. Thông tin ban đầu từ cảnh sát, có thể vụ nổ bình oxy trong khu điều trị Covid-19 của bệnh viện là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn…

Tại Việt Nam, ở các khu điều trị bệnh nhân thông thường, bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện dã chiến cũng xảy ra cháy, nhưng được lực lượng tại chỗ khống chế dập tắt, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, khi những vụ cháy xảy ra cũng đã khiến nhiều bệnh nhân tại đây hoảng loạn, hoang mang.

Theo điều tra, hầu hết những vụ cháy, nổ tại bệnh viện phần lớn do nguyên nhân về điện. Cháy nổ do tồn trữ, sử dụng các bình oxy, máy thở cho bệnh nhân lại khó xảy ra. Tuy nhiên, khi các bình khí, đường dẫn khí quá áp suất làm việc sẽ gây nổ tác động đến các yếu tố thứ cấp như hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, các thiết bị khác… sẽ gây cháy lớn. Thực tế, khi xảy ra nổ dẫn đến cháy hậu quả rất nghiêm trọng, điển hình như các vụ việc kể trên.

Khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết: “Bệnh viện điều trị Covid-19 là bệnh viện khám chữa bệnh được chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, hoặc bệnh viện dã chiến được xây dựng mới để điều trị cho bệnh nhân. Đặc điểm chung là nhiều bệnh viện được xây dựng cao tầng, diện tích rộng với hàng trăm giường bệnh, sử dụng nguồn điện nhiều, chứa khối lượng chất cháy lớn như: thiết bị y tế, bình oxy, máy trợ thở, hóa chất, phim X-quang, các chất oxy hóa, chăn, màn, quần áo và tư trang của bệnh nhân.

Tại các tầng hầm của tòa nhà có phương tiện cơ giới như xe ô tô, xe máy, máy phát điện… Khi xảy ra cháy, khói và khí độc tỏa ra rất nhanh, bay lên các tầng trên, bệnh nhân có nguy cơ ngộ độc khí và bị sức nóng của vụ hỏa hoạn đe dọa. Tâm lý hoảng loạn sẽ khiến việc thoát nạn trở nên khó khăn, đặc biệt với bệnh nhân nặng, người già, trẻ em… không thể tự di chuyển. Vì vậy công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các bệnh viện điều trị Covid-19 phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu”.

Biến chủng Delta khiến sức khỏe nhiều bệnh nhân Covid-19 lâm vào tình trạng nguy kịch, yêu cầu chữa trị khẩn cấp. Số lượng máy móc y tế được huy động tối đa, lượng tiêu thụ điện nhiều khiến đường dây điện quá tải dẫn tới nguy cơ chạm, chập gây cháy, nổ. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể phải trả giá bằng sinh mạng của nhiều người. Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh, Công an TPHCM khuyến cáo tuân thủ nguyên tắc như sau:

Đối với Ban quản lý khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19: Hệ thống điện phải đảm bảo an toàn cháy, nổ theo quy định. Bố trí và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện, thiết bị điện dùng cho tiêu thụ và sinh hoạt của nhân viên, bệnh nhân phải đảm bảo an toàn. Bố trí khu vực chứa, đường ống dẫn khí oxy, bình oxy đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có biển cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ. Trang bị hệ thống PCCC, phương tiện PCCC đảm bảo theo quy chuẩn và đảm bảo hoạt động tốt. Thành lập Đội PCCC của khu cách ly, bệnh viện điều trị để xử lý khi có sự cố cháy, nổ. Xây dựng tình huống cháy giả định và thực tập PCCC, CNCH; phương án sơ tán bệnh nhân khi có cháy, nổ xảy ra. Niêm yết các lối thoát nạn, thoát hiểm, vị trí phương tiện chữa cháy… để dễ dàng sử dụng phương tiện chữa cháy và thoát hiểm.

Đối với nhân viên y tế: Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện, thiết bị điện bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Thường xuyên kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn khi tồn trữ, sử dụng máy thở, bình oxy. Hướng dẫn, bố trí bệnh nhân, thân nhân việc sử dụng điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt an toàn. Nêu cao tinh thần cảnh giác và khuyến cáo mọi người đảm bảo an toàn PCCC. Biết sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy được trang bị. Tham gia học tập phương án chữa cháy và di chuyển nạn nhân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Song song với công tác cứu chữa, điều trị bệnh nhân Covid-19, chú trọng đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ tại bệnh viện dã chiến, khu điều trị là vô cùng cần thiết trong công tác phòng chống dịch. Công an TPHCM khuyến cáo mọi người cùng chung tay với lực lượng y tế, cảnh sát PCCC và CNCH với phương châm “an toàn phòng cháy - an tâm phòng dịch”.

Với bệnh nhân mắc Covid-19 và thân nhân, không tự tiện sử dụng điện, sử dụng hệ thống khí oxy, bình oxy khi chưa được phép. Việc sử dụng điện phải được sự đồng ý của lực lượng y tế chăm sóc tại chỗ. Không sử dụng nguồn lửa, nguồn phát sinh nhiệt, đun nấu trong phòng, nơi điều trị. Không tự ý sử dụng các phương tiện PCCC, nút ấn báo cháy khẩn cấp khi không có sự cố cháy, nổ… gây hoang mang, hoảng loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Không tập trung, tụ tập đông người nguy cơ lây bệnh cho người khác.