Giảm thiệt hại từ cháy nổ

|

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã tạm dừng sản xuất, kinh doanh. \r\n

Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội và đời sống nhân dân, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sản xuất, tồn chứa, sử dụng các loại hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, khí oxy, xăng, dầu, gas, chất đốt… vẫn được duy trì. Việc gia tăng sản xuất các mặt hàng thiết yếu đã đặt ra vấn đề về đảm bảo an toàn PCCC tại khu vực này.

Cảnh sát PCCC phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy tại Công ty CJ Food, KCN Hiệp Phước (TPHCM) tháng 11-2020

Tăng cường kiểm tra

Trong thời gian giãn cách xã hội, do chủ quan và một số nguyên nhân khác đã xảy ra không ít vụ cháy gây thiệt hại lớn liên quan đến chất đốt, lương thực, thực phẩm... nói trên. Như vụ cháy nổ xảy ra ngày 3-9 ở nhà máy sản xuất cồn tại thôn Hạ An, xã An Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Do cồn bốc cháy rất nhanh, Cảnh sát PCCC đã phải điều hàng chục xe tới hiện trường để khống chế đám cháy. Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị tại nhà máy. Ngày 4-9, trên địa bàn TPHCM cũng đã xảy ra một vụ cháy tại container chứa hàng hóa của tàu Morning Vinafco đang cập cảng Bến Nghé (quận 7). Điểm cháy là container chứa bao bì vừa được bốc xuống, đặt trong hầm 2 của tàu. Các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) có mặt ngay sau đó khống chế đám cháy không cho phát triển, cháy lan cháy lớn con tàu...

Thiệt hại sau những vụ cháy nói trên làm đời sống chủ cơ sở, doanh nghiệp đã khó càng khó thêm. Ở một góc độ khác, những vụ cháy liên quan các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung hàng hóa cho người dân thành phố. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn PCCC tại những nơi này, trong thời gian giãn cách, càng được xem trọng hơn bao giờ hết. 

Mới đây, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM đã ký Công văn số 3309/CATP-PC07 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh, sản xuất, tồn chứa, sử dụng các loại hàng hóa thiết yếu có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn thành phố. Một trong những nội dung quan trọng trong công văn là giao lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ và việc đảm bảo an toàn PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa… Công an quận huyện, TP Thủ Đức rà soát những cơ sở kinh doanh, sản xuất, tồn chứa hàng hóa thiết yếu còn hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, liên hệ với người đứng đầu các cơ sở để nắm tình hình, hướng dẫn, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp an toàn PCCC.

836 cơ sở có nguy cơ cháy nổ 

Theo số liệu thống kê của PC07, tổng số cơ sở sản xuất, kho hàng hóa đang hoạt động tại các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TPHCM là 1.583 cơ sở, được phân loại theo loại hình hoạt động: lĩnh vực dầu khí 5 cơ sở; lĩnh vực hóa chất 53 cơ sở; lĩnh vực công nghiệp nhẹ 427 cơ sở; lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng 20 cơ sở; lĩnh vực luyện kim và cơ khí chế tạo 225 cơ sở; lĩnh vực khác 677 cơ sở; kho hàng hóa 176 cơ sở. Trong số này, 836 cơ sở có nguy cơ cháy nổ. Số các cơ sở sản xuất và kho hàng hóa hoạt động trong khu dân cư là 5.259 cơ sở.

Hậu quả từ các vụ cháy nổ khi xảy ra là khó lường, nhưng tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dù bị lực lượng chức năng và địa phương thường xuyên nhắc nhở, xử phạt về an toàn PCCC nhưng vẫn chậm khắc phục. Qua kiểm tra của các đoàn kiểm tra về PCCC thời gian qua cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy cơ về cháy nổ cao nằm trong khu dân cư. 

Các lỗi vi phạm về PCCC thường thấy là xây dựng, cơi nới nhà xưởng, tồn trữ nhưng không thẩm duyệt về PCCC. Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở lối thoát nạn, vi phạm về khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy; việc tồn trữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm về cháy nổ không đảm bảo an toàn; hệ thống điện bên trong nhà xưởng, kho tàng câu mắc tùy tiện… Đáng nói, việc chấp hành các quy định về PCCC còn mang tính hình thức, đối phó, ý thức của người đứng đầu cơ sở và người lao động chưa cao. Công tác kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt; các trang thiết bị PCCC và hệ thống PCCC đã xuống cấp, một số thiết bị không hoạt động nhưng không được khắc phục sửa chữa kịp thời dù đã được kiểm tra, xử lý nhiều lần.

Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tại chỗ chưa thật sự chú trọng dẫn đến kỹ năng thao tác về PCCC của lực lượng này chưa thuần thục. Việc phân công ca trực do các công ty bảo vệ sắp xếp, thường xuyên thay đổi, không cố định. Các nhân viên bảo vệ phần lớn không phải đội viên đội PCCC của cơ sở nên không nắm rõ, không biết vận hành hệ thống, phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở. Hơn nữa, lực lượng bảo vệ chỉ làm công tác an ninh bên ngoài, không được phép vào bên trong cơ sở nên khi xảy ra sự cố cháy nổ không thể xử lý ngay từ ban đầu. Tại một số doanh nghiệp, lực lượng PCCC cơ sở thường không ổn định về nhân sự do người lao động thường xuyên nghỉ việc….

Theo PC07, một trong những biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế và giảm thiệt hại do cháy là các cơ sở thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, nguồn nước và lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy ở cơ sở; sửa chữa, rà soát phân loại và bố trí sắp xếp, bảo quản hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; lắp đặt hệ thống tưới nước làm mát hệ thống nhà xưởng và kho sản xuất làm bằng khung thép mái tôn. Đặc biệt cần tăng cường kinh phí, đầu tư xây dựng đội PCCC ở cơ sở có đủ lực lượng và trang bị phương tiện chữa cháy hiện đại, tổ chức trực chữa cháy và tuần tra, canh gác để phát hiện cháy kịp thời.