Thí điểm làm giấy chứng nhận nhà, đất tại phường

|

Từ tháng 6-2017, UBND quận 9 (TPHCM) đã giao UBND 13 phường thực hiện thí điểm việc tiếp nhận, trả hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu (viết tắt là GCN). Cách làm này giúp người dân đỡ phải nhọc công đi lại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp GCN.

Một người dân đến UBND phường Phước Long B làm thủ tục đăng ký cấp GCN nhà, đất lần đầu
Làm thay việc của dân 
Ngày 22-8-2017, ông Nguyễn Hữu S. đến UBND phường Phước Long B hỏi mua bộ hồ sơ làm thủ tục xin cấp GCN cho lô đất cùng căn nhà của người thân tại phường này. Ông S. cho biết, người nhà ông mua miếng đất diện tích gần 70m², trên đất có sẵn một căn nhà cũ, bằng giấy tay.
Trước đây, ông S. đã đến quận làm thủ tục xin cấp GCN nhưng không được giải quyết. Mới đây, khi quy định của pháp luật có thay đổi (Nghị định 01/2017 sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 3-3-2017 - PV), cho phép cấp GCN đối với một số trường hợp mua nhà, đất bằng giấy tay. Thông qua hệ thống loa phường, ông S. biết được, các trường hợp đăng ký cấp GCN như ông thì chỉ cần đến phường, không cần phải lên quận như trước.
Theo ông Hứa Văn Thắng, cán bộ địa chính phường Phước Long B, việc UBND phường làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ của người dân đăng ký cấp GCN đối với nhà, đất tọa lạc trên địa bàn phường sẽ giúp cư dân thuận tiện trong việc đi lại. Mặc khác, cán bộ địa chính phường nắm rõ nguồn gốc đất trên địa bàn nên sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người dân trong việc kê khai, cung cấp các giấy tờ làm thủ tục theo quy định.
“Sau khi nhận đủ hồ sơ, cán bộ địa chính sẽ viết giấy hẹn cho người dân và chuyển hồ sơ về Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận 9 để nơi đây xem xét giải quyết. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ nhận, sau đó giao trả cho người dân ngay tại phường”, ông Thắng nói.
Theo ông Võ Trí Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận 9, Nghị định 43 quy định VPĐKĐĐ là nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại GCN. Trong trường hợp người dân có nhu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Như vậy, việc tổ chức thí điểm cho UBND các phường tiếp nhận và trả kết quả như trên là phù hợp với luật định, đồng thời tạo nhiều thuận lợi cho người dân.
Phấn đấu “về đích” vào cuối năm 2017 
Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Thạch cho biết, tháng 6-2017, UBND TPHCM có văn bản yêu cầu các quận - huyện trong năm 2017 phải hoàn thành việc giải quyết đăng ký, cấp GCN nhà, đất lần đầu cho các trường hợp đủ điều kiện. Những địa phương có nhiều hồ sơ thì xây dựng phương án tuyên truyền, tổ chức cho người dân kê khai đăng ký cấp GCN tại UBND cấp phường (như quận 9 - PV).
Sắp tới, VPĐKĐĐ TPHCM sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Nội vụ để xây dựng quy trình chung giải quyết các yêu cầu liên quan đến cấp, cấp đổi hay cấp lại GCN và áp dụng thống nhất trên toàn TP. Mô hình thí điểm của quận 9 sẽ được xem xét, đánh giá rút kinh nghiệm để xây dựng quy trình.
“Trước đây, người dân từ 13 phường phải dồn về Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 9 để mua hồ sơ, làm thủ tục. Việc giao về cho các phường tiếp nhận và trả hồ sơ không chỉ giúp giảm tải cho chi nhánh VPĐKĐĐ, mà còn giúp người dân được cán bộ địa chính phường hướng dẫn cụ thể về các thủ tục, giấy tờ”, ông Võ Trí Dũng nhận xét.
Nhưng việc giao cho các phường tiếp nhận và trả kết quả có nghĩa là cán bộ cơ sở phải làm thay một phần công việc của các chuyên viên Chi nhánh VPĐKĐĐ quận, trong khi khối lượng công việc của cán bộ địa chính hiện nay vốn đã tương đối nhiều.
Về vấn đề này, bà Cao Đoàn Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Phước Long B, nhìn nhận lực lượng địa chính sẽ phải làm thêm việc. Cái khó ở chỗ, do đây là công tác chuyên môn nên khó có thể điều chuyển người từ lĩnh vực khác, kể cả cán bộ môi trường hay xây dựng, qua hỗ trợ. Do vậy, để đảm bảo phục vụ người dân, cán bộ địa chính của phường phải năng động hơn và sắp xếp lại công việc cho phù hợp. Theo đó, buổi sáng cán bộ địa chính túc trực tại cơ quan để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp GCN; buổi chiều thì đi xác minh thực tế. “Qua gần 2 tháng thí điểm, cán bộ địa chính phường đã đáp ứng được yêu cầu công việc, đảm bảo giải quyết các yêu cầu về hành chính công của người dân”, bà Thủy đánh giá.
Ông Võ Trí Dũng cũng nhận xét qua một thời gian thí điểm đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, số lượng hồ sơ đăng ký cấp GCN nhà, đất có tăng lên so với trước. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn quận còn khoảng 3.000 trường hợp chưa đăng ký cấp GCN nhà, đất. Với phương thức thí điểm nêu trên, quận 9 phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ giải quyết hết việc cấp GCN cho những trường hợp đủ điều kiện (khoảng 1.500 trường hợp).
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 9 Lê Thị Kim Chi, việc thí điểm như trên là nhằm thực hiện cải cách hành chính trong công tác đăng ký GCN nhà, đất. Sắp tới, quận sẽ sơ kết đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để người dân đăng ký cấp GCN được thuận tiện, dễ dàng hơn.