Cải cách hành chính - khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”, cách nào?

|

Năm 2019, TPHCM chọn chủ đề là năm cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, câu chuyện CCHC đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng thủ tục hành chính vẫn còn nhiều nhiêu khê. \r\n

Đâu là điểm nghẽn nhất, còn gây khó khăn, trở ngại nhất cho người dân và tháo gỡ ra sao, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Phải linh hoạt hơn

* Phóng viên: Thưa ông, việc CCHC đã đặt ra từ nhiều năm nay và hiện nay, được đánh giá là “trên nóng, dưới lạnh”. Phải chăng điều đó phản ánh một thực tế: quyết tâm CCHC của TP rất cao nhưng ở cơ sở còn thờ ơ với CCHC hoặc không đủ năng lực thực hiện?

- Tiến sĩ NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Từ rất lâu, CCHC được coi là công tác có tính “cấp bách” - vì nó là công cụ của nhà nước có chức năng cho phép vận hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế và đời sống xã hội. Thực tế ngày càng đòi hỏi bộ máy hành chính phải linh hoạt hơn mới theo kịp sự biến động rất nhanh của sự phát triển. Chính vì thế Đại hội X của Đảng bộ TPHCM (tháng 10-2015) đã xác định CCHC là một trong 7 chương trình đột phá. Sau 3 năm thực hiện, nay TPHCM lại xác định năm 2019 là năm CCHC? Liệu có phải 3 năm qua chưa thực sự “đột phá” hoặc hiệu quả rất hạn chế? Và hiện nay, CCHC được đánh giá là “trên nóng, dưới lạnh”. Nếu bên dưới thờ ơ với CCHC thì cần tìm hiểu xem vì sao “sức nóng” ở trên chưa truyền được xuống dưới?

Trường hợp thứ nhất, nếu do bên dưới không tiếp nhận thì giải pháp phải là chấn chỉnh kỷ cương. Nếu bên dưới tiếp thu nhưng thực hiện tùy tiện thì nguyên nhân thuộc về bệnh quan liêu của bên trên - do người lãnh đạo, điều hành thiếu kiểm tra, đôn đốc. Trường hợp thứ hai, nếu bên dưới không đủ năng lực thực hiện thì vấn đề nằm ở khâu đào tạo nguồn nhân lực - cũng là một trong 7 hướng đột phá nhưng chưa hiệu quả; hoặc, nội dung, phương pháp của chương trình CCHC chưa hợp lý - tương tự như trong trường hợp cải cách giáo dục thiếu tính khoa học, đến mức giáo viên cũng không thực hiện được thì làm sao học trò có thể tiếp thu tốt.

Dù cho rơi vào trường hợp nào thì phải thừa nhận một thực tế là giữa trên và dưới có một “lớp cách nhiệt”. “Lớp cách nhiệt” này ngăn cản sức nóng từ quyết tâm ở trên truyền tải nhiệt tình xuống dưới. “Lớp cách nhiệt” đó không phải làm bằng vật liệu cơ học mà hình thành từ chất liệu chính là “bệnh quan liêu” - “bệnh” mà Bác Hồ đã ghi trong “bệnh án” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản ngay từ năm 1947.

* Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính được TP công bố là 80%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn ở nhiều lĩnh vực lên đến 95% - 99%. Trong khi đó, người dân còn ngại, kêu ca rất nhiều mỗi khi có việc phải đến cơ quan công quyền làm thủ tục hành chính. Ông bình luận sao về sự khác biệt này?

- Nếu như các cơ quan chức năng của TP đưa ra tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 80% và hồ sơ giải quyết đúng hẹn 99% thì lĩnh vực hành chính đã không cần phải cải cách nữa - vì nó đã gần như hoàn hảo - và hầu như không một nước nào trên thế giới có thể đạt được. Tuy nhiên, chính những chỉ số quá cao đó lại phản ánh độ chênh lệch quá xa so với thực tế, và nó cũng phản ánh sự tương ứng với mức độ trầm trọng của bệnh quan liêu.

* Hiện nay, nhiều dịch vụ công trực tuyến, giải quyết hồ sơ qua mạng Internet đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực, song sức lan tỏa còn hạn chế, lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều. Vì sao sự tiếp nhận, ủng hộ của người dân với cái mới, cái tốt lại chưa được nhiều, dù hay chê trách cách làm cũ? Những trở ngại nào TP cần khắc phục để người dân yêu thích hành chính điện tử?

- Không thể phủ nhận lĩnh vực hành chính có những bước tiến nhất định. Một số thủ tục đã không thể “hành là chính” được nữa vì đã được xử lý điện tử hóa. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trình độ công nghệ của chính phủ điện tử hiện nay chưa đến mức có thể thay thế hoàn toàn con người trong các khâu sắp xếp thứ tự, lựa chọn và xét duyệt hồ sơ. Tức là công nghệ vẫn còn là phương tiện và công cụ do con người sử dụng. Và mới phát huy tác dụng ở khía cạnh rút ngắn thời gian xử lý thành văn bản sau khi hồ sơ đã được lựa chọn, phê duyệt.

Còn khâu lựa chọn, xét duyệt vẫn là khu vực mà những công chức thoái hóa có thể lợi dụng để gây phiền hà với mục đích kiếm tiền hối lộ, bôi trơn của các doanh nghiệp và của người dân. Mặt khác chính phủ điện tử mới đem lại lợi ích cho những thành phần công dân thông thạo công nghệ thông tin, nhất là thế hệ trẻ. Còn lại, với nhiều người dân chưa biết sử dụng Internet thì không được hưởng lợi nhiều. Thậm chí, ngay cả việc sử dụng thẻ ATM cũng chưa chiếm tỷ lệ cao như ở nước ngoài; cụ thể như phần lớn những người cao tuổi, chỉ thích đi lĩnh lương hưu bằng cách đếm những đồng tiền thật...

Những thực tế nêu trên cho thấy, CCHC dựa trên công nghệ thông tin chưa mang lại hiệu quả đáng kể đối với đa số người dân lao động của TP, song phát triển dịch vụ công trực tuyến là hướng đi đúng và cần đồng bộ nhiều giải pháp về liên thông liên kết giữa các cơ quan; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình xử lý trực tuyến; truyền thông trang bị cho người dân nắm bắt thành thục hơn về hành chính trực tuyến…

Công chức thừa hiểu muốn tốt cho dân thì phải làm gì

* Chủ đề năm 2019 của TPHCM là CCHC và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, trong năm, TPHCM tiếp tục khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của người dân, công chức. 3 từ khóa “cải cách hành chính” - “đặc thù” - “sáng tạo”, theo ông có mối liên quan như thế nào? Ông có kỳ vọng việc TP chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, đồng nghĩa sẽ phục vụ dân tốt hơn? Để phục vụ dân tốt thì từng cán bộ, công chức nên chú trọng điều gì?

- Về lý thuyết, các từ khóa “CCHC, cơ chế đặc thù, sáng tạo” trong năm 2019 của TPHCM có mối quan hệ tương tác. Cơ chế đặc thù có thể tạo ra động lực và điều kiện mới cho phát triển kinh tế, xã hội - cũng là điều kiện và động lực cho CCHC và khuyến khích sáng tạo. Ba lĩnh vực đó có thể cộng hưởng với nhau và thúc đẩy lẫn nhau, không hề tạo ra lực cản. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến hiện thực luôn có một khoảng cách khá xa vì còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, ràng buộc lẫn nhau.

Cụ thể là: nếu dùng cơ chế đặc thù để tăng lương cho công chức với hy vọng sẽ tăng trách nhiệm là giải pháp thiếu tính khả thi, chưa đủ. Bởi lẽ: nếu tăng các khoản thu để có tiền trả lương cao cho công chức thì lại tác động tiêu cực đến đời sống còn nhiều khó khăn của người dân lao động - có thể sẽ tăng số lượng các hộ nghèo và cận nghèo; nếu chỉ tăng thu từ các doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng sản xuất, giá cả sẽ tăng theo và thiệt thòi vẫn là người lao động...

Mặt khác, ngay cả những nước có GDP/đầu người lớn hơn Việt Nam hàng mấy chục lần, như Singapore, cũng không thể tăng lương công chức đến mức vượt quá lòng tham của con người, vì lòng tham và trách nhiệm không hoàn toàn tùy thuộc vào mức lương.

Những người đã đến tuổi trưởng thành và đã được đào tạo để trở thành công chức nhà nước thì họ có thừa trình độ để hiểu muốn tốt cho dân thì phải làm những gì, không cần có ai phải chỉ bảo. Do đó, vấn đề là có những người không nghĩ cách phục vụ nhân dân tốt hơn mà luôn tìm cách vụ lợi cho riêng mình và với họ, chỉ có thể dùng ngôn ngữ của luật pháp hoặc điều lệ Đảng.

* Cùng với việc chấn chỉnh cán bộ công chức nhũng nhiễu, hành dân, TPHCM cũng mong muốn người dân hỗ trợ TP CCHC bằng cách kiên quyết không đưa tiền cho cán bộ, công chức khi làm thủ tục hành chính. TP cam kết cải cách phục vụ dân. Trên thực tế, cách dùng tiền để giải quyết công việc đang tồn tại, theo ông, làm thế nào để xây dựng được tâm thế của người dân khi đến làm việc, làm thủ tục ở các cơ quan hành chính, một cách thẳng thớm, không sợ hãi, e ngại?

- Có ý kiến cho rằng muốn loại trừ sự nhũng nhiễu phiền hà của công chức thì người dân phải kiên quyết không đưa tiền khi bị đòi hỏi và không tự động đưa tiền “bôi trơn”. Điều đó hoàn toàn đúng với logic đơn giản. Nhưng trên thực tế thì hầu như không diễn ra được, hoặc có thì chỉ là rất cá biệt... Muốn hiểu rõ vì sao như thế, hãy đặt mình vào vị trí của người dân: đơn giản vì người dân yếu thế hơn nhiều vì công chức nhũng nhiễu luôn đọc tên đủ thứ quy định, nghị định, thông tư, chỉ thị... của đủ các cấp, các cơ quan chức năng - là những thứ mà nhiều người dân không thể biết rõ. Khi mơ hồ trong đủ thứ quy định, nên người dân tin rằng mình đang được giúp đỡ để né tránh phiền hà và đỡ mất thời gian chờ đợi; do vậy, việc phải trả tiền cho người giúp đỡ mình là chuyện chấp nhận được. Với những trường hợp “chưa đòi đã đưa” - cũng không phải là “tự nguyện” mà vì người dân biết chắc rằng “không đưa không xong” nên đưa trước sẽ là “đồng tiền khôn”. Như vậy không thể kỳ vọng lớn vào việc yêu cầu người dân không đưa tiền bôi trơn như là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho CCHC.

Bộ máy hành chính là kênh tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp nhất giữa nhà nước và nhân dân. Do đó, là “nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì trước hết phải cụ thể hóa khẩu hiệu “hành chính của dân, do dân và vì dân”. Tuy nhiên, trên thực tế, hành chính nước ta chưa thể hiện rõ tính chất của nhà nước kiến tạo - có lẽ vì cán bộ, công chức ít được nhắc nhở rằng đồng lương của họ là tiền đóng thuế của người dân và ngay chính nhân dân cũng chưa dám nghĩ rằng: cán bộ, công chức là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” như lời Bác Hồ đã nói.