“Mê cung” giấy tờ nhà đất

|

Người dân còn mất rất nhiều thời gian, công sức đi làm thủ tục hành chính. Nhiều khâu, nhiều thủ tục tưởng đơn giản, nhưng áp dụng trên thực tế lại không hề đơn giản như vậy!\r\n

Mướt mồ hôi xin giấy hẹn

Cuối cùng, ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa (TPHCM) cũng nhận được bộ hồ sơ tách thửa quyền sử dụng đất (gọi tắt là hồ sơ) cho một thửa đất tại huyện Bình Chánh. Trước đó, ông Nghĩa nộp giấy tờ làm thủ tục tách thửa tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh. Theo giấy hẹn, ông Nghĩa sẽ nhận kết quả vào ngày 4-3. Đến ngày hẹn, ông Nghĩa đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhận kết quả. Tuy nhiên, cầm hồ sơ trên tay, ông Nghĩa nhận thấy địa chỉ nơi cư trú của chủ sở hữu bị đánh máy nhầm, thay vì “quận Bình Thạnh” thì hồ sơ ghi “quận Bình Thành”. Nêu thắc mắc, cán bộ Phòng TN-MT nói phải sửa và hẹn miệng với ông Nghĩa ngày trả kết quả.

Nghĩ rằng sai sót này cũng là thường tình, ông Nghĩa vui vẻ chấp nhận chờ. Tuy nhiên, vì nhà cách UBND huyện Bình Chánh hàng chục kilômét nên ông Nghĩa đề nghị cho lịch hẹn cụ thể. Đề nghị này không được chấp nhận và được “đẩy” qua bộ phận tiếp dân. Đến bộ phận tiếp dân thì nơi này giải thích họ không nắm sự việc nên không thể giải quyết. Sau một hồi “thảo luận”, cán bộ 2 phòng, ban này xác định “lỗi đánh máy” thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện.

Ông Nghĩa đành “ôm” hồ sơ qua Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh. Tại đây, một cán bộ phòng liên tục nhận sai nhưng cũng vẫn không cấp cho ông Nghĩa giấy hẹn ngày trả kết quả. Không chấp nhận cách giải quyết như thế, ông Nghĩa làm căng thì cán bộ này mới lập một biên bản viết tay, đại ý với nội dung nhận sai và ghi ngày hẹn trả kết quả cụ thể. “Giải quyết thủ tục một cửa liên thông, lại có sai sót nhưng tôi bị “đẩy” đi hết phòng này đến ban khác chỉ để… xin giấy hẹn”, ông Nghĩa bức xúc.

Không chỉ vậy, trước đó, ông Nghĩa cũng đã bị đơn vị này giải quyết hồ sơ trễ nhiều lần. Đáng nói, cuối năm 2017, huyện Bình Chánh đã công bố chuyển đổi tất cả các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Vậy nhưng, với cách giải quyết như trên cho thấy, huyện Bình Chánh cần phải chấn chỉnh tác phong, thái độ, trách nhiệm làm việc của cán bộ trước khi áp dụng một hệ thống, quy trình chất lượng và hiện đại.

Trường hợp ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa có thể nói là một điển hình của hình ảnh người dân đi làm thủ tục hành chính hiện nay. Và còn đó, nhiều lắm, những giọt mồ hôi của người dân khi gõ cửa cơ quan công quyền làm giấy tờ. Cũng từ thực tế này, ông Nghĩa cho rằng, trước ngày hẹn trả kết quả, chính quyền cần có tin nhắn báo cho người dân rõ. Nếu bị trễ, địa phương cần nhắn tin hẹn lại, nhằm không làm mất thời gian đi lại của người dân.

Đẩy dân vào chỗ rắc rối

“Ông lên huyện mà hỏi, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) trên đó ký hết, xã có ký cái nào đâu mà giải quyết”, nữ nhân viên quầy thủ tục nhà đất bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) vừa nói vừa trả lại xấp hồ sơ cho ông Nguyễn Viết Giới.

“Tôi đã lên tới thành phố, rồi trở lại huyện, xã mấy lần, mà ở đâu cũng nói không thuộc thẩm quyền giải quyết. Giờ tôi phải đi đâu nữa đây”, ông Giới nói với chúng tôi rồi ôm xấp hồ sơ lùi lại phía sau, bày ra mặt bàn giải thích về căn nhà của mình bỗng dưng bị dừng giao dịch vì UBND huyện Hóc Môn cấp GCN cho người khác.

Ông Nguyễn Viết Giới bức xúc trình bày vụ bỗng dưng mất nhà đất
 Theo hồ sơ, khu đất gia đình ông Giới (mua lại năm 2004) rộng 88,5m², là đất ở đô thị. Ngày 13-4-2010, UBND huyện Hóc Môn cấp GCN và giấy phép xây dựng. Tháng 11-2018, ông Giới làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì bị ách lại do có đơn khiếu nại của bà Đặng Thị Thập Cẩm, khẳng định đã được UBND huyện Hóc Môn cấp GCN chính ngay căn nhà và lô đất mà gia đình ông đang ở. “Lên UBND huyện hỏi thì họ trả lời do hồ sơ trùng lắp nên không xác nhận được. Giờ hai gia đình nên gặp nhau… tự thỏa thuận giải quyết”, ông Giới bức xúc.

Cũng tại xã Xuân Thới Thượng, ông Lê Văn Phương (ngụ ấp 5) được UBND huyện cấp GCN năm 2002 cho khu đất rộng hơn 3.000m², mục đích sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng là 20 năm. Song, ngày 29-7-2015, UBND huyện lại cấp sổ đỏ toàn bộ khu đất trên cho ông Trần Văn Cẩm và bà Hồ Thị Hiền (ở 126/6 ấp 1 xã Xuân Thới Thượng), với thời hạn sử dụng là 50 năm (?!). Bức xúc trước việc bỗng dưng bị mất đất, ông Phương gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Hóc Môn, nhưng không thấy trả lời. Nhiều cán bộ thuộc các phòng chức năng của UBND huyện đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong khi đó, ông Trần Văn Cẩm làm đơn kiện ông Phương ra TAND huyện Hóc Môn. Ngày 7-9-2018, TAND huyện Hóc Môn có thông báo, phải hủy một trong 2 GCN mới có thể giải quyết được vụ án. Sau đó UBND xã Xuân Thới Thượng tổ chức hòa giải giữa 2 bên nhưng không có kết quả.

Một trường hợp tắc trách khác, cũng ở huyện Hóc Môn. Theo đó bà Nguyễn Kim Sang (khoảng 60 tuổi), được cha mẹ chia lại hơn 600m² đất của gia đình tại ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông. Thế nhưng, không hiểu sao một phần của lô đất đó lại được UBND huyện cấp GCN cho một người dân khác ngụ cùng ấp. Vụ việc được TAND huyện Hóc Môn tuyên bà Sang thắng kiện. Cách đây hơn 11 năm, UBND huyện ra quyết định thu hồi phần đất cấp sai này để trả lại cho bà Sang. Vậy nhưng, sau một quá trình đi khiếu kiện từ TPHCM ra đến Trung ương với chi phí lên đến gần 600 triệu đồng, đến nay bà Sang mới biết cái quyết định đó. Tuy nhiên, “tôi đề nghị cung cấp quyết định thu hồi của UBND huyện nhưng không ai cung cấp. Mấy đời bí thư, chủ tịch xã hễ nghe đến vụ việc của tôi là bỏ đi, không trả lời và cũng không hướng dẫn tôi đến đâu để nhận quyết định”, bà Sang kể.

Các sự việc cụ thể này là tồn tại từ nhiều năm qua, thiết nghĩ chính quyền huyện Hóc Môn cần tích cực giải quyết rốt ráo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này cũng thể hiện thiện chí khắc phục sai sót, thay vì đẩy rắc rối về phía người dân như lâu nay.