Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ra mắt Phòng tiếp công dân

|

Ngày 21-12, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tổ chức lễ ra mắt Phòng tiếp công dân, tại địa chỉ 63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.\r\n

Trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM bố trí Phòng tiếp công dân phía bên trong sở, trước phòng làm việc của Thanh tra sở, với diện tích khoảng 7m2. Với vị trí này, người dân, doanh nghiệp có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo hay cần được hướng dẫn các chủ trương, chính sách và thực hiện các quyền phải vào bên trong sở.

Nay, việc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức Phòng tiếp công dân ở vị trí mới khang trang, có diện tích lớn hơn sẽ tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp liên hệ để kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; đồng thời giúp Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tiếp nhận, giải quyết có hiệu quả tốt nhất những thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân về những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của sở.

Những năm gần đây, số lượng tiếp công dân và tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân tại Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ngày càng nhiều hơn, trong đó có một số vụ việc đông người.

Ra mắt Phòng tiếp công dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết: từ năm 2016 đến 2019, sở tiếp 1.021 lượt công dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường và các lĩnh vực khác; tiếp 3 đoàn đông người (gồm 8 lượt và 60 người); tiếp nhận 2.131 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo.

Riêng trong năm 2020, sở tiếp 283 lượt công dân và nhận 839 đơn (gồm 222 đơn khiếu nại, 8 đơn tranh chấp, 40 đơn tố cáo, 569 đơn kiến nghị phản ánh).

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, qua công tác tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận thấy công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn công dân chấp hành và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều trường hợp sau khi được giải thích, công dân đã tự nguyện rút đơn khiếu nại; hồ sơ giải quyết khiếu nại nhìn chung đảm bảo chất lượng tham mưu cho UBND TP.

“Công tác giải quyết hồ sơ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, chủ yếu về đất đai luôn đảm bảo tính công khai, dân chủ và vận dụng đúng pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ giữa sở với các cấp, các ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác tiếp dân được sở duy trì và củng cố, nâng cao cách ứng xử văn hóa, kỹ năng giao tiếp khi tiếp xúc với người dân. Qua đó, kịp thời xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người, hạn chế tối đa việc công dân tập hợp đông người tập trung tại cơ quan sở“, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận xét.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại lễ ra mắt Phòng tiếp công dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, qua công tác phân loại, xử lý đơn thư cho thấy, tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp vẫn còn nhiều. Nội dung đơn thư vẫn tập trung vào công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất.

Nguyên nhân là do công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương bố trí cán bộ chưa đủ năng lực, kinh nghiệm phụ trách công việc này nên việc hòa giải tại cơ sở đạt hiệu quả chưa cao. Một số hồ sơ có tính chất phức tạp, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, địa phương giải quyết chưa được chặt chẽ làm kéo dài thời gian giải quyết.

Để công tác tiếp công dân tại Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đạt được hiệu quả cao nhất, ông Nguyễn Toàn Thắng yêu cầu công chức, viên chức được giao tiếp công dân, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân phải xem vụ việc của công dân như là vụ việc của chính mình, của người thân mình để giải quyết đến nơi đến chốn; đồng thời giao Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc sở nghiên cứu hỗ trợ Thanh tra sở trong việc hiệu chỉnh phần mềm theo dõi tiến độ, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; nhằm không để xảy ra tình trạng đơn thư, vụ việc bị quên, chậm giải quyết.