Chú ý tiêu chí về sự hài lòng của người dân

|

Nếu như từ trước đến nay chúng ta ít có đánh giá một cách định lượng về công tác cải cách hành chính (CCHC) thì gần đây, TPHCM đã có đánh giá xếp hạng CCHC với quận, huyện, sở, ngành. Việc đánh giá, xếp hạng với tiêu chí cụ thể như vậy là tiến bộ.\r\n

Người dân đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tại UBND quận Bình Thạnh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ kết quả đánh giá, các cơ quan, đơn vị sẽ thấy được mình đang ở đâu trên thang bậc CCHC. Các cơ quan, đơn vị phải hết sức cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận cần bổ khuyết những phần nào chưa được đánh giá cao, cần phát huy những điểm mạnh nào. Việc xếp hạng, đánh giá như trên cần được nhìn nhận ở góc độ tích cực, không phải để thấy “tôi hơn anh” hay “anh hơn tôi” mà để mỗi đơn vị điều chỉnh, cải thiện, nâng cao hiệu quả trong CCHC, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.

Việc đánh giá xếp hạng cũng sẽ đặt các cơ quan, đơn vị luôn trong tình trạng thi đua. Về thi đua, sinh thời, Bác Hồ có nhận xét, “thi đua một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ” và kêu gọi “nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua…”. Điều đó cho thấy, thi đua có ý nghĩa là để tiến bộ, lành mạnh chứ không phải để ganh đua. Như vậy, việc xếp hạng, dựa trên các tiêu chí định lượng là một bước tiến bộ lớn, với kết quả cuối cùng là làm hài lòng người dân, DN và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây chính là kết quả cuối cùng mà việc đánh giá, xếp hạng CCHC hướng đến.

Việc đo lường, đánh giá là điều đáng mừng, nhưng nó có thể không làm hài lòng tất cả mọi người. Vấn đề là cách đánh giá như thế nào cho công bằng, mang tính khoa học, khách quan nhất. Vì vậy, công tác đánh giá cần tiếp tục được hoàn thiện, theo hướng khoa học hóa việc đánh giá, tránh làm theo cảm tính, mù mờ. Có như vậy, các cơ quan, đơn vị mới thực sự “tâm phục khẩu phục”, coi kết quả đánh giá là thước đo cho công tác CCHC của mình.

Trong các tiêu chí phân loại, xếp hạng cần đặc biệt chú ý đến tiêu chí về sự hài lòng cao của người dân và DN. Về phía người dân, DN, điều đáng quan tâm nhất là dịch vụ hành chính có dễ tiếp cận không, thủ tục có rõ ràng, nhanh gọn hay không. Chẳng hạn, nói tạo điều kiện cho DN, vậy thì DN tiếp cận các thông tin về quy hoạch, đất đai có dễ dàng không? DN, hộ kinh doanh có dễ đáp ứng các điều kiện kinh doanh không?... Rồi trong những giao dịch hàng ngày, người dân cũng phải được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ, được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục. Để có được những điều này, cơ quan hành chính nhà nước phải sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân, DN một cách nhanh chóng, kịp thời, không gây phiền hà, không đòi hỏi và phải đúng hẹn. Tất cả những điều này sẽ làm người dân, DN hài lòng, từ đó họ sẽ ủng hộ chính quyền, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.