TPHCM thảo luận các giải pháp phòng chống tham nhũng vặt

|

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại TPHCM đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban

Ngày 10-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM về “Cách làm hay trong việc phòng, chống tham nhũng vặt liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn”.

Các đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.

Cải thiện mức sống của cán bộ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại TPHCM đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dù vậy, đồng chí cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn nhiều hạn chế. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chủ yếu qua kiểm tra, thanh tra, điều tra của cấp trên và qua phát hiện của báo chí.

Để cải thiện tình trạng trên, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tuyên truyền, quán triệt cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng và các đơn vị cơ sở nhận thức tầm quan trọng, cấp thiết của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đồng chí, trong mọi sự việc, con người là quan trọng nhất. Do đó, nếu xây dựng được một đội ngũ cán bộ tâm huyết, đạo đức, luôn ý thức việc phục vụ nhân dân là bổn phận bình thường trong công việc của mình thì hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt người dân sẽ tốt hơn, sẽ ngăn chặn được tình trạng tham nhũng vặt.

Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát. “Người đứng đầu phải chọn các lĩnh vực, các vị trí dễ phát sinh, nhất là những vị trí giải quyết nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để chủ động kiểm tra, giám sát. Mục tiêu lớn nhất trong chủ động kiểm tra là để phòng ngừa, kịp thời uốn nắn cán bộ”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh và lưu ý từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị tăng cường giải pháp để cải cách thủ tục hành chính; tập trung số hóa thủ tục để hạn chế tối đa việc người dân phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị

Trước những ý kiến thu nhập của cán bộ, công chức không đủ sống, dẫn đến có tình trạng tham nhũng vặt, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho rằng nên so sánh với mặt bằng chung để thấy mức sống của cán bộ, công chức đã tốt hơn, lấy đó để vững tin hơn trong phục vụ nhân dân. Dù vậy, đồng chí cũng lưu ý các địa phương, đơn vị có giải pháp để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức nhất là cán bộ ở cơ sở. Theo đồng chí, Trung ương và TPHCM đã có nhiều giải pháp về nội dung này, đơn cử như Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Song, ở mỗi địa phương, đơn vị cũng cần có giải pháp để nâng cao mức sống của cán bộ mình, tạo động lực cho họ làm việc.

Một nội dung khác là đồng chí yêu cầu phát huy vai trò, giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là khi TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, không còn HĐND quận, phường. Đồng chí “đặt hàng” HĐND TPHCM có giải pháp để việc giám sát được triển khai sâu sát từ quận đến phường, hỗ trợ được MTTQ trong việc giám sát. “Các đồng chí cần phát huy cái tốt của chính quyền đô thị là nhanh, gọn nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực”, đồng chí lưu ý.

Hạn chế tối đa cán bộ tiếp xúc với nhân dân

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã góp nhiều ý kiến, chia sẻ cách làm hay trong việc phòng, chống tham nhũng vặt liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân trên địa bàn.

Đại diện các địa phương nêu ý kiến tại hội nghị

Theo Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam, để phòng, chống tham nhũng vặt tại địa bàn, huyện Bình Chánh tập trung thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, lồng ghép việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc kiểm tra công vụ cũng được Huyện ủy Bình Chánh thực hiện nghiêm túc, qua đó việc tiếp công dân, đối thoại với công dân trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Việc giải quyết TTHC cũng có nhiều cải thiện, nhất là việc giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhà đất.

Huyện cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện nghiêm việc niêm yết, công khai các TTHC, tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, tìm hiểu thủ tục hành chính. Qua đó, người dân có cơ sở, điều kiện để thực hiện quyền giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, góp phần tránh tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu khi công chức tiếp nhận giải quyết TTHC.

Nhận định là địa bàn có tốc độ đô thị hoá và dân số tăng nhanh, huyện Củ Chi luôn ý thức được nguy cơ tiềm ẩn về tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Do đó, những năm gần đây, huyện Củ Chi đã tập trung nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. Theo Trưởng phòng nội vụ huyện Củ Chi Trần Thị Ngọc Dung, huyện tập trung chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng kéo dài.

Trưởng Phòng Nội vụ huyện Củ Chi Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ cách làm hay trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực đất đai

Trong đó, tập trung rà soát việc thí điểm cấp phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp, việc xây dựng hàng rào và san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp. Huyện cũng ban hành quy chế phối hợp và quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý về đất đai xây dựng.

“Huyện Củ Chi nghiêm cấm cán bộ, công chức để xảy ra mọi trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng bị phát hiện chưa xử lý dứt điểm, để đối tượng vi phạm “chạy thủ tục” nhằm hợp thức hoá sai phạm”, bà Trần Thị Ngọc Dung nhấn mạnh và khẳng định, nhờ các giải pháp trên, những vấn đề bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực, tinh thần trách nhiệm, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên.

Bên cạnh đó, luân chuyển cán bộ cũng là giải pháp phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các địa phương áp dụng. Trong đó, năm 2022, quận Tân Phú đã chuyển đổi vị trí công tác 17 trường hợp, điều động vị trí công tác của 7 trường hợp khác. Từ năm 2020 đến nay, quận Tân Bình chuyển đổi vị trí công tác 56 trường hợp, trong đó tại phường là 32 trường hợp, các cơ quan hành chính thuộc quận 21 trường hợp và các đơn vị sự nghiệp có 3 trường hợp.

Theo Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu Thường vụ Thành ủy ban hành một số văn bản trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, đầu tháng 8-2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM.

Ngoài ra, Ban Thường vụ đã chỉ đạo Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TPHCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn chung, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM triển khai mạnh mẽ, khá toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của Thành phố thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử. Song song đó, duy trì nền nếp họp liên ngành tư pháp để trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm giải quyết đối với các vụ án, vụ việc phức tạp; rà soát và giải quyết các vụ án còn tồn đọng, tạm đình chỉ.