Tập trung nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

|

Sáng 12-3, HĐND TPHCM phối hợp cùng Sở TT-TT, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 3, chủ đề “Trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính”.

Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng điều hành chương trình.

Nâng cao thái độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức

Tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến đề nghị UBND TPHCM làm rõ các nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023. Trong đó, đẩy mạnh được chỉ số cải cách hành chính (CCHC); giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong CCHC.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, những năm qua, thành phố đã tập trung quyết liệt vào công tác CCHC. Tuy nhiên, kết quả công tác CCHC vẫn chưa được như mong muốn. Mỗi năm thành phố giải quyết hơn 20 triệu thủ tục hành chính, trong đó 99% đúng hẹn, nhưng vẫn còn hơn 20.000 thủ tục trễ hẹn. Nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, để nâng cao hiệu quả CCHC, vấn đề cốt yếu nằm ở con người, ở đội ngũ cán bộ công chức. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Người đứng đầu, cán bộ, công chức phải thấy được trách nhiệm của mình, phải nắm chắc từng nội dung cụ thể trong CCHC, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng về nguyên tắc ứng xử, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Song song với đó, phát huy hiệu quả của tổ công tác kiểm tra xử lý, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của thành phố, trách nhiệm của thủ trưởng khi thực thi công vụ. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thực hiện nội dung này.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời, ngày 12-3-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng tại chương trình, cử tri đã đặt vấn đề về năng lực, thái độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; công tác số hóa dữ liệu thủ tục hành chính.

Cử tri Vũ Chung Sức (quận Bình Tân) cho rằng hiện nay việc đánh giá mức độ hài lòng có nhiều cách thức khác nhau, thành phố có cách thức nào để việc lấy ý kiến đúng thực chất, minh bạch và thống nhất.

Còn cử tri Phạm Thị Nga (quận 6) phản ánh về thái độ của một bộ phận cán bộ công chức chưa tốt khi phục vụ, gây phiền hà cho người dân.

Về việc khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, đây là cách để chính quyền thành phố tự đánh giá về chất lượng, hiệu quả phục vụ và đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ tại cơ sở. Qua đó, thành phố sẽ có cơ sở để chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức và cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Từ năm 2020, UBND TPHCM đã ban hành quy định rõ ràng về việc khảo sát, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, quy định đã nói rõ những tiêu chí, nguyên tắc để lấy ý kiến của người dân. Đồng thời quy định trách nhiệm của cán bộ khi giải quyết những ý kiến không hài lòng.

Theo đó, thành phố tổ chức khảo sát những thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan hành chính. Người dân có thể góp ý, hiến kế bằng thư tay, gửi thư điện tử, thông qua tổng đài 1022, thậm chí có thể gửi thư cho lãnh đạo thành phố. Những nội dung này đều được chính quyền thành phố cập nhật, phân công lực lượng kiểm tra xử lý, báo cáo lại cho người dân.

Cùng về vấn đề nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thành phố đã ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong cơ quan hành chính nhà nước. Thành phố cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành hoạt động thường xuyên. TPHCM cũng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện vi phạm đến mức xử lý phải xử lý.

Với những cán bộ vi phạm đến mức xử lý kỷ luật thì phải bố trí sắp xếp lại theo quy định. Việc luân chuyển, điều động cán bộ phải đảm bảo sử dụng cán bộ đúng năng lực, chuyên môn, công khai, minh bạch. Thành phố cũng chú trọng đổi mới toàn diện trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ.

Cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân

Xoay quanh về chỉ số đánh giá sự hài lòng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, qua khảo sát, chỉ có 0,2% ý kiến là không hài lòng. Tuy nhiên, nếu so với với 20 triệu hồ sơ mỗi năm thì có trên 20.000 hồ sơ không hài lòng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo sở ngành tại chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời, ngày 12-3. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguyên nhân của việc này có thể do bà con chưa nắm bắt được thủ tục hoặc cán bộ hướng dẫn thủ tục không rõ ràng. Cũng có những thủ tục chậm giải quyết cho người dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nhà đất. Dù thời gian qua, thành phố có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hệ thống vẫn chưa tốt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải làm rõ trách nhiệm của từng công chức, không có công chức không rõ trách nhiệm hoặc nhiều người cùng một trách nhiệm. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng phòng ban, không để trùng lắp trách nhiệm; xây dựng quy trình liên thông giữa các sở ngành. Thành phố cũng đang thực hiện số hóa các dữ liệu, tập trung 4 lĩnh vực chính gồm tài nguyên, đất đai, quy hoạch và giao thông. Việc này sẽ tạo nền tảng ban đầu để quản lý tốt hồ sơ.

Ngoài ra, thành phố cũng có quy trình giám sát hồ sơ. Văn phòng UBND TPHCM đang thiết lập lại quy trình giám sát và luân chuyển hồ sơ ở từng cơ quan, giám sát tận chuyên viên khi thực hiện quyết sách của thành phố. Từ đó, làm tốt hơn trách nhiệm công chức, trách nhiệm công vụ, phục vụ người dân tốt hơn.

Thông tin đến cử tri những giải pháp tổng quát trong CCHC trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, gốc rễ của mọi việc là nằm ở con người, nằm ở cán bộ. Nhiều năm qua, thành phố đã rất tích cực cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng phàn nàn trong dân. Lãnh đạo thành phố xác định trước mắt phải nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trách nhiệm công vụ thể hiện ở trách nhiệm thực thi công vụ và trách nhiệm tham mưu đề xuất. Những nội dung này trước đây đội ngũ cán bộ thành phố làm rất tốt, luôn năng động sáng tạo để tìm cách giải quyết các thủ tục cho người dân. Từ đó cũng tạo nên phong cách năng động sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, gần đây phong cách này có lúc, có nơi, có người có vẻ chùng xuống, không còn hăng hái, năng nổ như trước đây. Thậm chí có trường hợp không dám đề xuất gì cả.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao công tác đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi người đứng đầu còn sợ, còn đùn đẩy trách nhiệm, không muốn tham mưu những vấn đề khác biệt thì chắc chắn sẽ không giải quyết được hồ sơ, không phát triển.

“Trách nhiệm của người đứng đầu còn nằm ở chỗ giao việc, phải có yêu cầu cao với đội ngũ chứ không phải muốn làm như thế nào thì làm, không sáng kiến không đề xuất. Trách nhiệm thứ 2 là kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến cùng các đại biểu dự chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM cũng xác định hằng quý đều đánh giá hiệu quả hoạt động của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trên cơ sở giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay. Không để tình trạng công việc không chạy nhưng vẫn được đánh giá cao. “Quý 1 này sẽ đánh giá rất rõ ràng, dứt khoát công việc phải chạy. Đánh giá cho bằng được hiệu quả công tác của đội ngũ công chức”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin.

Trong đó, phải tập trung giải quyết dứt điểm trên 20.000 hồ sơ còn tồn đọng và giải quyết nhanh những hồ sơ mới. Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát những trường hợp đang tồn đọng, xác định nguyên nhân, phân thành các nhóm để giải quyết. Không để xảy ra tình trạng hồ sơ nằm trong cơ quan mà người dân hỏi không thể trả lời, phải công khai minh bạch công tác giải quyết đến người dân.

Đồng thời, thành phố đang tập trung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, động viên cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Hiện nay, trên 80 đề án đã được các sở ngành đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật. Nếu làm được việc này thì 20.000 hồ sơ còn tồn đọng, loạt dự án công trình trong tương lai mới có thể tháo gỡ được. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ rà soát, chấn chỉnh quy trình liên thông của các sở ngành, địa phương.

Quang cảnh Chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời, ngày 12-3-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh, với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thành phố triển khai “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM”. Hệ thống được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với hệ thống này, người dân sẽ sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài việc nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khi tham gia sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, người dân sẽ có kho hồ sơ điện tử cá nhân. Lần sau người dân sử dụng dịch vụ công thì các hồ sơ điện tử có trong kho cá nhân sẽ được sử dụng lại. Hệ thống còn cung cấp công cụ giúp cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình; đồng thời qua đó tạo thành công cụ để giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

­­­­­­­­­­­------------------------------------------------------

Thượng tá Trần Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TPHCM cho biết, liên quan mẫu xác nhận cư trú, thời gian qua, Công an TP đã tham mưu Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các bộ phận hành chính công, bộ phận một cửa thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và TPHCM. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống dữ liệu dân cư, sử dụng máy quét đọc mã QR trên CCCD gắn chip, kiểm tra thông tin trên ứng dụng VNeID của người dân để xác minh thông tin cư trú. Khi không thực hiện được bằng các bước trên thì mới yêu cầu người dân sử dụng giấy xác nhận cư trú.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị UBND TPHCM, các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm khắc phục tồn tại, hạn chế. Đồng thời, có giải pháp tăng cường trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch về tổ chức thực hiện chủ đề năm 2023, cải thiện môi trường đầu tư gắn với tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của thành phố giai đoạn 2022 – 2027. Chú trọng duy trì và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức trong hoạt động công vụ. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là người đứng đầu trong hoạt động công vụ.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện…

Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp

Nâng cao trách nhiệm công vụ, người dân hài lòng

Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ