Huyện Bình Chánh hướng đến “đô thị phức hợp”, trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng

|

Ngày 22-9, UBND huyện Bình Chánh phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo \

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Văn Nam, Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh; Lê Văn Minh, Bí thư Quận ủy quận 10 cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Chánh; Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và một số chuyên gia, nhà khoa học.

UBND huyện Bình Chánh phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo "Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội thảo nhằm tiếp tục làm rõ khả năng đáp ứng của huyện Bình Chánh về các tiêu chuẩn lên thành phố (thuộc TPHCM), định hướng phát triển huyện đến 2030.

Đồng thời đề xuất các giải pháp, danh mục đầu tư nhằm cải thiện các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi kinh tế đô thị, quản trị hiện đại, nâng cao đời sống người dân và hướng tới phát triển bền vững.

Hội thảo nhận được các tham luận đầy tâm huyết của các nhà khoa học về các lĩnh vực kinh tế đô thị, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, con người và bộ máy quản trị, nhằm đóng góp vào sự phát triển toàn diện và bền vững của huyện Bình Chánh trong suốt quá trình chuyển đổi và đô thị hóa.

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, đề án "Đầu tư xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030" thuộc chương trình đột phá của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đang phối hợp huyện Bình Chánh đề xuất chọn mô hình chuyển từ đơn vị hành chính cấp huyện, thành đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc TPHCM là phù hợp với bối cảnh phát triển của huyện.

Qua rà soát, đối chiếu các tiêu chí, việc chuyển đổi huyện Bình Chánh lên đô thị loại III (mô hình thành phố thuộc thành phố) có khả năng trở thành hiện thực vào năm 2025. Khi huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại III trong giai đoạn 2021-2030 và vẫn giữ lại 4 xã nông nghiệp là Đa Phước, Hưng Long, Quy Đức và Bình Lợi. Cùng với đó, chuyển 12 trên tổng số 16 xã, thị trấn hiện có, thành đơn vị hành chính cấp phường.

Hội thảo nhằm tiếp tục làm rõ thêm khả năng đáp ứng của huyện Bình Chánh về các tiêu chuẩn lên thành phố (thuộc thành phố TPHCM) theo quy định hiện hành, định hướng phát triển huyện đến 2030. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhu cầu đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh từ đơn vị hành chính nông thôn, chuyển lên đơn vị hành chính đô thị (cấp thành phố trong thành phố) vào năm 2025, là vấn đề đặt ra bức thiết, cần triển khai sớm hơn các huyện khác.

Mặt khác, việc chuyển huyện Bình Chánh trở thành thành phố trực thuộc TPHCM có ý nghĩa quan trọng. Huyện có vị trí là cửa ngõ, nối kết trực tiếp TPHCM với các tỉnh ĐBSCL trong phát triển liên vùng, giữa vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển, dự thảo đề án nêu đề xuất 8 nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra giải quyết tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa và định hướng xây dựng đô thị phức hợp trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Để hình thành một đô thị sinh thái và công nghiệp hiện đại, bên cạnh đầu tư mạng lưới giao thông kết nối bên ngoài, xây dựng các tuyến đường bộ nối dài, liên kết tỉnh Long An và ĐBSCL, huyện Bình Chánh cần triển khai đầu tư mạng lưới giao thông nội bộ kết nối các khu chức năng, khu dân cư và kết nối vào các trục xuyên tâm vào TPHCM.

Cùng với đó, phát triển hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng; nhà ở và hạ tầng xã hội phù hợp tăng dân số; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, huyện phát triển nông nghiệp đô thị và đô thị sinh thái, phát triển mảng xanh theo hướng đô thị sinh thái. Đồng thời, liên kết các khu công nghiệp với nhau dưới dạng công nghiệp cộng sinh, tuần hoàn.

Huyện cũng tập trung giải quyết và ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường, sụt lún, biến đổi khí hậu trên địa bàn và giải quyết an sinh xã hội, phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực...

Tại hội thảo, Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam chia sẻ, huyện Bình Chánh là cửa ngõ của TPHCM với các tỉnh miền Tây. Vị trí của huyện như một khớp nối quan trọng với các tỉnh này nhưng hiện còn nhiều trục trặc.

Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam phát biểu

Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện chưa hoàn thiện, huyện chưa phát huy hết thế mạnh của một địa phương là cửa ngõ của thành phố. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học lớn, hàng năm tăng thêm khoảng 40.000 người, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Trước yêu cầu phát triển, huyện phải xác định rõ hướng phát triển, trong đó huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố trong thời gian tới. Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh khẳng định quyết tâm đưa huyện lên thành phố trực thuộc TPHCM thay vì lên quận. Bởi việc huyện lên quận khó đáp ứng các tiêu chí hơn là lên thành phố.

Để hướng đến mục tiêu này, huyện Bình Chánh cần phải tính toán các đầu việc nào làm trước, việc nào làm sau và có sự phân kỳ ra các giai đoạn để thực hiện. Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh cho rằng, cần tập trung phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện, không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là xây dựng mở trường lớp vì hiện huyện đang thiếu 900 phòng học.

Bí thư huyện Bình Chánh chia sẻ thêm, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM trong hoàn thiện đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM. Huyện cũng sẽ đề xuất và trình cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải có một nghị quyết cho huyện Bình Chánh để căn cứ trên đó mà cụ thể hóa đưa huyện phát triển trong thời gian tới.

***

Theo dự thảo đề án, đến năm 2030, huyện Bình Chánh trở thành “đô thị phức hợp” hướng đến hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng TPHCM, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, trong đó các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch làm nền tảng.