Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mua và thuê hệ thống “mắt thần” để kịp dùng tại giải vô địch quốc gia 2022

|

\r\n

Nhiều khả năng, các thiết bị của hệ thống “mắt thần” (Video Challenge Eyes) sẽ có tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 và áp dụng tức thì.

\r\n

Thiết bị cho hệ thống "mắt thần" của bóng chuyền sẽ sớm về Việt Nam phục vụ giải vô địch quốc gia 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chia sẻ ngày 22-6, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường cho biết “các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn đã xúc tiến với đơn vị có trang thiết bị Video Challenge Eyes. Về cơ bản, chúng tôi sẽ mua một bộ thiết bị và thuê một bộ thiết bị qua đó đưa vào lắp tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm nay. Hy vọng thiết bị sẽ kịp về Việt Nam để phục vụ giải đấu”.

Qua tìm hiểu, bộ thiết bị được mua là do kinh phí xã hội hóa của đối tác Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là doanh nhân Đào Hữu Huyền (ông chủ đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội) tài trợ. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ thuê một bộ thiết bị còn lại để lắp tại giải vô địch quốc gia do giải bóng chuyền của chúng ta tổ chức ở 2 địa điểm trong cùng một thời gian thi đấu. Bộ thiết bị mua sẽ do nhà tài trợ chủ động mua để đảm bảo tính minh bạch tài chính.

Một bộ thiết bị đầy đủ của Video Challenge Eyes có giá thành từ 40.000-50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng), đồng thời cần thuê thêm phần mềm vận hành của nhà sản xuất (khoảng 7.000 USD/tháng).

Tại SEA Games 31, trong môn bóng chuyền trong nhà, Liên đoàn bóng chuyền châu Á đã điều hành công tác giải đấu và lắp bộ thiết bị “mắt thần” tại sân Đại Yên (Quảng Ninh) và tổng số máy quay (camera) được lắp là 16 chiếc, gồm cả những camera giám sát sát lưới. Luật quy định rất cụ thể là mỗi đội có 2 lần sử dụng Video Challenge Eyes trong 1 hiệp thi đấu và nếu việc khiếu nại sai thì mất lần. Nếu khiếu nại đúng, số lần vẫn được bảo lưu.

Năm 2014, Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB) lần đầu tiên đã đưa Video Challenge Eyes vào thử nghiệm tại giải vô địch thế giới. Các kỳ Olympic gần nhất vào năm 2016 và 2020 tại Brazil và Nhật Bản thì FIVB có áp dụng phương tiện này ở giải đấu.

Khi bộ thiết bị của Video Challenge Eyes về Việt Nam, đội ngũ kỹ thuật sẽ lắp đặt cũng như được tập huấn vận hành, điều hành để sử dụng hiệu quả nhất. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ phải đào tạo nhân sự vận hành. Trên thế giới, nhiều giải bóng chuyền vô địch các quốc gia chưa áp dụng lắp thiết bị  này nên nếu lắp đặt thì bóng chuyền Việt Nam là một trong giải đấu... chịu chơi và thời thượng nhất.