Giải bóng chuyền VĐQG 2022: Chậm trễ lắp 'mắt thần', trọng tài lại bị chỉ trích

|

Ban tổ chức Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia năm 2022 đã phải họp khẩn một lần hôm 7-7, để giải quyết tranh cãi về năng lực điều hành của tổ trọng tài sau trận đấu giữa hai đội nam Tràng An Ninh Bình và VLXD Bình Dương hôm 6-7. Kết luận khi đó đã chỉ ra rằng tổ trọng tài mắc khá nhiều sai sót trong suốt trận đấu, gây ức chế cho HLV và các VĐV đội VLXD Bình Dương. Nhưng không hiểu sao, các trọng tài này vẫn được bỏ qua lỗi và tiếp tục tham gia điều hành tại giải (!?).\r\n

Trận đấu giữa đội chủ nhà Ninh Bình Doveco (trái) và VTV Bình Điền Long An bị đánh giá thấp về chất lượng trọng tài. Ảnh: P.N

Ngay sau đó, một nữ trọng tài cấp quốc tế của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cũng đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ dư luận và từ chính người trong giới bóng chuyền về trình độ cầm còi, suýt biến trận đấu giữa chủ nhà Ninh Bình và VTV Bình Điền Long An ở giải nữ thành màn tranh cãi gay gắt hôm 6-7.

Thậm chí, không ít nhà chuyên môn cho rằng Ban trọng tài đã phân công nhiệm vụ rất bất ổn, vì để vị nữ trọng tài này cầm còi điều hành liên tiếp các trận đấu của đội nữ chủ nhà Ninh Bình, tạo nên những dị nghị không hay về việc có hay không sự thiên vị cho đội bóng đất cố đô.

Nhiều sai sót về nhận định tình huống, hay các lỗi xuất phát từ trọng tài dưới sân và trọng tài biên đã liên tiếp xảy ra ở vòng đấu bảng, tại cả hai "đầu cầu" Ninh Bình và Vĩnh Phúc, khiến giới chức bóng chuyền Việt Nam bối rối, và cảm nhận rõ rằng việc chậm trễ lắp đặt hệ thống Video Challenge Eyes (còn gọi là hệ thống "mắt thần") đã hại chính họ.

Trọng tài điều hành trận Tràng An Ninh Bình - VLXD Bình Dương đã phải lên tiếng xin lỗi vì sai sót. Ảnh: P.N
Nếu hệ thống hỗ trợ này được lắp đặt trước khi giải đấu khởi tranh, thì giới trọng tài không đến mức phải chịu chỉ trích nặng nề từ dư luận và từ chính giới làm nghề nhiều đến thế. Phần nào đó, hình ảnh và chất lượng của giải đấu năm nay đã bị ảnh hưởng. Điều gây thắc mắc là vì sao đã có đơn vị tài trợ cho việc lắp đặt hệ thống "mắt thần" từ cách đây vài tháng rồi, nhưng giới chức bóng chuyền Việt Nam lại không xúc tiến thực hiện ngay, để sự chậm trễ kể trên đã tác động xấu đến uy tín của giải đấu.

Lý giải rằng "do trang thiết bị đặt mua ở nước ngoài về nên không kịp lắp đặt trước khi vòng đấu bảng khởi tranh ở 2 địa điểm tổ chức là Ninh Bình và Vĩnh Phúc", đối với giới làm nghề, chỉ được xem như cái cớ để biện minh cho sự chậm trễ, chứ không giải toả được nỗi bức xúc và nghi ngờ của đa số CLB về sự thiếu minh bạch, chưa thật công tâm của một bộ phận trọng tài tham gia điều hành ở sân chơi quốc gia năm nay.

Nếu hệ thống Video Challenge Eyes được lắp đặt sớm, Giải VĐQG 2022 đã bớt đi điều tiếng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nên nhớ rằng vòng đấu bảng thường xuyên xảy ra những tình huống nhạy cảm, kể cả chuyện xin-cho điểm hay móc ngoặc dàn xếp tỷ số…, càng cần thiết phải được giám sát chặt chẽ bằng mọi hình thức. Đến tận Vòng chung kết mới lắp hệ thống "mắt thần" chỉ e là quá trễ.

Ai cũng hiểu, chất lượng trọng tài bóng chuyền Việt Nam đang gặp vấn đề, bất ổn từ cung cách quản lý của Ban trọng tài đến từng vị "cầm cân nảy mực". Vì vậy, đây là đội ngũ cần được cải thiện về thái độ làm việc và đặc biệt cần thiết phải thanh lọc những "con sâu" gây ảnh hưởng không tốt đến đồng nghiệp, ít nhất giúp các trọng tài bóng chuyền tạo dựng lại niềm tin nơi chính các đội bóng là cộng đồng người hâm mộ.