Giải vô địch quốc gia 2024: Khán giả là xúc tác tăng thêm độ “nóng” của các trận so tài tại Hà Tĩnh

|

Sau rất nhiều năm, người hâm mộ giải bóng chuyền vô địch quốc gia mới chứng kiến một điểm tổ chức như ở nhà thi đấu tỉnh Hà Tĩnh luôn kín khán giả cổ vũ từ đó giúp các cầu thủ thêm hứng phấn tranh tài dưới sân.

Người hâm mộ tại nhà thi đấu Hà Tĩnh luôn ngồi kín khán đài để cổ vũ các cầu thủ. Ảnh: MINH MINH

Khán giả luôn kín nhà thi đấu

Nội dung nam của giai đoạn 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 đã đi được hơn nửa chặng đường. Điều ghi nhận quan trọng nhất của những người làm giải và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng Cục TDTT đó là giải đấu được khán giả Hà Tĩnh cổ vũ quá đông đảo. Dưới tiết trời oi bức nắng nóng hơn 40 độ C nhưng chưa khi nào, các trận đấu ở nhà thi đấu tỉnh Hà Tĩnh vắng khán giả.

Bốn năm trước, Hà Tĩnh là đơn vị tổ chức vòng 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020. Khi đó, khán đài của nhà thi đấu tỉnh Hà Tĩnh như vỡ tung bởi người hâm mộ vào theo dõi đông đảo. Sau 4 năm, những khán đài ấy tiếp tục...dậy sóng.

Đại diện Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ “người dân Hà Tĩnh rất mê bóng chuyền. Đặc biệt nếu trận nào có đội chủ nhà thi đấu thì tất thảy mọi người đều muốn vào coi”. Đó là lý do vì sao điểm tổ chức giải ở Hà Tĩnh bán vé vào cửa (giá 50 ngàn đồng/vé) nhưng khi có các trận đấu của đội Hà Tĩnh hay các đội bóng tên tuổi là hiện tượng “cháy” vé xảy ra. Nhà quản lý vui khi người hâm mộ nô nức vào theo dõi, cổ vũ. Còn người đam mê bóng chuyền ở địa phương cho rằng môn thể thao này lành mạnh, có tính cạnh tranh cao và không mấy khi được cơ hội xem giải vô địch quốc gia trên sân nhà do đó sẵn lòng tới tận nơi mua vé vào cổ vũ.

Khán giả Hà Tĩnh luôn sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào theo dõi các trận đấu. Ảnh: MINH MINH

Hiện tại, nhà thi đấu tỉnh Hà Tĩnh có sức chứa tối đa 2.500 người. Do lượng khán giả vào cổ vũ thường quá tải trong nhiều trận đấu quan trọng, đặc biệt là trận có đội chủ nhà Hà Tĩnh, ban tổ chức huy động thêm các ghế ngồi rìa để phục vụ bà con. “Chúng tôi trân trọng người hâm mộ bóng chuyền ở đây một điểm đó là họ không khi nào bỏ về giữa chừng các trận đấu, kể cả khi đội chủ nhà không chiến thắng thì người hâm mộ vẫn ngồi lại theo dõi tới phút cuối cùng”, đại diện ban giám sát trận đấu ở bảng tại Hà Tĩnh trao đổi.

Siết chặt chuyện “livestream”

Để đảm bảo công tác về bản quyền truyền hình, ban tổ chức tại nhà thi đấu tỉnh Hà Tĩnh đã khuyến cáo người nhà thi đấu không được thực hiện “livestream” (phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội) toàn trận. Lúc này, nhiều kênh về bóng chuyền đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội đồng thời, nhiều người thực hiện việc “livestream” trực tiếp toàn bộ trận đấu ở giải vô địch quốc gia cùng thời điểm với đơn vị truyền hình của giải đấu phát sóng trực tiếp. Chính thế, nhà tổ chức phải khuyến cáo tới những cá nhân hay đơn vị sở hữu các kênh về bóng chuyền trên mạng xã hội nhưng không liên kết với ban tổ chức để phát trực tiếp tự ý.

Việc "livestream" đã được khuyến cáo từ ban tổ chức giải ngay tại nhà thi đấu. Ảnh: MINH MINH

Trước đó, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng chia sẻ về việc giải bóng chuyền vô địch quốc gia đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, chất lượng chuyên môn tốt hơn từ đó gia tăng được giá trị đối với bản quyền truyền hình. Một trong những điều được ông Trường chia sẻ đó là giải đấu sẽ hướng tới siết chặt chuyện các kênh mạng xã hội thực hiện phát trực tiếp khi chưa có những hợp tác hay ký kết, phối hợp với đơn vị đang thực hiện truyền hình trực tiếp của ban tổ chức giải.

Chính vì vậy, việc siết chặt chuyện “livestream” sẽ là điều ảnh hưởng đáng kể tới những kênh về bóng chuyền trên mạng xã hội nếu chưa có những thỏa thuận với ban tổ chức.