Khép lại chương cũ cho giải bóng chuyền Vô địch quốc gia

|

Như vậy các trận đấu của nội dung nam, nữ tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 kết thúc qua đó người làm bóng chuyền cả nước chứng kiến hành trình cũ khép lại.

Cầu thủ ngoại là một trong những vấn đề được chú ý trong 20 mùa đã qua tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

20 năm nhiều biến động

Trận chung kết nội dung nam của giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 vào tối ngày 1-12 ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã là trận cuối cùng của hệ thống thi đấu cũ tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia tổ chức trong 20 năm qua.

Khi giải bóng chuyền vô địch đội mạnh toàn quốc kết thúc vào năm 2003, giai đoạn mới đã được hình thành từ năm 2004 với tên gọi giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Đó là giai đoạn, giải bóng chuyền vô địch quốc gia chứng kiến bước mới của hành trình nhưng vẫn thi đấu theo thể thức 2 giai đoạn (vòng 1, vòng 2). Dù thế, bóng chuyền Việt Nam nói chung còn được nhìn nhận chưa ở môn hình bán chuyên nghiệp mà đang nỗ lực tiệm cận điều này. Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng khẳng định: “bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp vào lúc này. Để hội tụ yếu tố chuyên nghiệp cho 1 giải đấu thì cần nhiều yếu tố đồng bộ. Chúng ta đang nỗ lực làm điều đó và bản thân các đội bóng dự giải cũng gặp những khó khăn của mình”.

Trong 20 năm qua, từ 2004 tới 2024, từng mùa giải đều chứng kiến các cuộc thi đấu hấp dẫn chuyên môn. Các đội bóng từng lên ngôi vô địch ở 20 giải của nam và nữ đều là những đội xứng đáng. Quan trọng, bóng chuyền Việt Nam cho phép cầu thủ ngoại được tham gia thi đấu (Ban tổ chức cấm vào năm 2013 sau đó cho phép đăng ký trở lại từ năm 2022). Dù vậy, người làm chuyên môn và từng đội bóng đã dự giải vô địch quốc gia luôn kỳ vọng sự thay đổi thực chất trong chuyên môn tổ chức giải đấu nâng cao hơn nữa.

Sự biến động rõ nhất của giải bóng chuyền vô địch quốc gia là không ít phiên hiệu đã giải thể dù từng được người hâm mộ chú ý như Quân đoàn 4, VLXD Biên Hòa, Đức Long Gia Lai, Phòng không Không quân, Bưu điện Hà Nội, Giấy Bãi Bằng, Công an Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí VN, Vietsov Petro, Quân khu 5, Quân khu 9, Quân khu 7, Cao su Phú Riềng... Năm 2004, giải bắt đầu với 12 đội nam, 12 đội nữ. Tiếp đó, có giai đoạn giải rút xuống còn 11 đội nam, 11 đội nữ rồi 10 đội nam, 10 đội nữ. Năm 2024, giải đã chỉ có 9 đội nam, 9 đội nữ.

Qua 20 năm, bóng chuyền Việt Nam chứng kiến không ít đội bóng doanh nghiệp được hình thành, do 1 ông bầu quản lý. Sự xuất hiện của họ góp làm nên cuộc cạnh tranh chuyên môn mạnh mẽ cùng các đội bóng truyền thống. Thêm nữa, đội bóng doanh nghiệp ra đời, sự thay đổi về thu nhập, lương thưởng cho HLV, VĐV bóng chuyền thay đổi tích cực so với trước. Nếu khởi đầu trong năm 2004, ngôi vô địch quốc gia có thưởng 70 triệu đồng. Tới bây giờ, đội vô địch đã nhận thưởng 500 triệu đồng từ ban tổ chức.

Chương mới sẽ ra sao

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam xây dựng lộ trình rút gọn số đội bóng xuống còn 8 nam, 8 nữ tại giải vô địch quốc gia từ năm 2025. Theo Tổng thư ký Lê Trí Trường, phương thức tổ chức thi đấu cho giải từ năm 2025 sẽ có sự thay đổi so với trước đây.

Giải đấu vẫn phải hướng trọng tâm là phục vụ người xem với chất lượng tốt nhất, thời gian phù hợp thì mới có hiệu quả. Ảnh: VFV

Tại mùa giải 2023, sự thay đổi bước đầu được người hâm mộ hưởng ứng là nội dung nam, nội dung nữ tổ chức tranh tài riêng biệt không song hành cùng thời điểm. Năm nay, giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 thêm bước ngoặt là thực hiện thể thức tất cả các đội đấu vòng tròn 1 lượt ở vòng bảng.

Muốn khán giả tới nhà thi đấu đông đảo, giải vô địch quốc gia được nâng tầm hơn thì Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải thực hiện cách tổ chức thi đấu khoa học với trung tâm là phục vụ người hâm mộ. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có những dữ liệu tham khảo một số mô hình tổ chức giải bóng chuyền vô địch quốc gia tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số quốc gia tại châu Á giúp nắm bắt phương thức nào phù hợp để áp dụng tại Việt Nam. Có quan điểm cho rằng, giải bóng chuyền vô địch quốc gia cần kết thúc việc tổ chức 2 vòng đấu tách biệt mà thực hiện thi đấu xuyên suốt 1 mùa giải để tạo được sự ổn định phong độ của các đội bóng. Nếu thực hiện được như vậy, mùa giải 2025 là bước ngoặt cho 16 đội.

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia thêm 1 sự thay đổi tích cực là trang bị hệ thống Video Eyes Challenge (mắt thần) từ mùa giải 2022. Sau khi có hệ thống này trên sân, tất cả các đội ghi nhận công tác trọng tài tốt hơn và ít xảy ra tranh cãi.

Bài tiếp: Bóng chuyền Việt Nam tìm nguồn lực mới cho giải vô địch quốc gia