Để đạt được các con số trên, bên cạnh số lượng các DN thành lập mới, TPHCM phải vận động các hộ kinh doanh hiện hữu chuyển đổi lên thành DN. Trên thực tế, TPHCM đã triển khai hàng loạt giải pháp để khuyến khích, tạo động lực để các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi hình thức kinh doanh. Và chỉ như vậy, TPHCM mới có được đội ngũ DN thực sự lớn mạnh, phát triển bền vững.
Tạo môi trường thuận lợi
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, do UBND TPHCM tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, khẳng định mục tiêu của TPHCM trong việc phát triển DN không chỉ gia tăng về số lượng mà còn phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng của TP phải đề ra các giải pháp chiến lược, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả DN.
Nhận định thuế và các thủ tục về thuế là vướng mắc khiến nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên DN, tháng 4-2017 vừa qua, UBND TPHCM và Cục Thuế thành phố đã ra mắt chương trình hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm DN mới thành lập và DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Chương trình nhằm cung cấp và hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế ban đầu, các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho DN khởi nghiệp để bắt đầu hoạt động; giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chí phí của DN; hạn chế các phiền hà đối với người nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về thuế; giảm thiểu các sai phạm về thuế khi mới ra kinh doanh, không để người nộp thuế gặp các khó khăn hay ngưng kinh doanh do thiếu thông tin về chính sách, thủ tục về thuế.
Về hình thức hỗ trợ, Cục Thuế TPHCM hỗ trợ DN qua nhiều hình thức khác nhau như trang thông tin điện tử hỗ trợ DN khởi nghiệp với các nội dung, tài liệu hướng dẫn các quy trình, thủ tục hành chính về thuế; tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, video clip hướng dẫn; hoạt động phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan, cơ quan truyền thông; hỗ trợ trực tiếp DN khởi nghiệp tại 25 điểm đặt tại các cơ quan thuế trên địa bàn TP. DN khởi nghiệp có thể đến bất kỳ điểm hỗ trợ nào thuận tiện để tìm hiểu thông tin, giải đáp vướng mắc; không phân biệt thuộc địa bàn hay cơ quan thuế nào quản lý và các thông tin hỗ trợ, tham vấn hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, Cục Thuế TP dự kiến tổ chức tập huấn, đối thoại với các DN thành lập từ các hộ kinh doanh tại chi cục thuế các quận huyện, kết hợp khảo sát nhu cầu thông tin tuyên truyền để cơ quan thuế tiếp tục hoàn thiện chương trình hỗ trợ.
Theo Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm, trong thời gian đầu khởi nghiệp, DN cần tập trung thời gian, nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh; làm sao giảm gánh nặng về thời gian và chi phí cho DN trong việc tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật thuế để DN an tâm kinh doanh là điều kiện hết sức cần thiết. Với mục tiêu không để DN có khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế, làm ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian mới ra kinh doanh, Cục Thuế TP đã triển khai các hình thức hỗ trợ đa dạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ của cơ quan thuế; trong đó có chương trình hỗ trợ thông tin về thuế cho DN khởi nghiệp.
Trong chương trình hỗ trợ, các sai sót thường xảy ra trong quá trình kê khai, nộp thuế, kể cả sai sót phát hiện khi thanh tra, kiểm tra được Cục Thuế tổng hợp và thông tin lưu ý đến tất cả DN. Đây là hình thức hỗ trợ rất thiết thực để các DN có thể tham khảo nhằm hạn chế và có biện pháp tránh sai sót. Với chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, Cục Thuế TPHCM quyết tâm đưa chính sách thuế đến gần người nộp thuế, giúp DN hiểu biết hơn về chính sách thuế để chấp hành tốt pháp luật thuế, giảm các sai sót và vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách thuế.
Với quyết tâm tạo sự thông thoáng, dễ dàng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, UBND TP đã yêu cầu các sở ngành liên quan giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập DN và chuyển đổi hình thức kinh doanh. Cụ thể, với thủ tục chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh sẽ được thực hiện trong 2 ngày làm việc, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh trong 1 ngày làm việc, xem xét cấp lại các giấy phép kinh doanh trong 2 ngày làm việc. Đặc biệt, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã hình thành khu vực “cửa xanh” ưu tiên thực hiện các thủ tục thành lập DN mới và thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN.
Tăng thời gian gặp gỡ DN
Cùng với việc tổ chức đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ về thuế, thủ tục thành lập DN, UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận huyện tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm giữa lãnh đạo đơn vị với các DN để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Giảm 30% các cuộc họp và dành thời gian để đi thực tế nắm bắt, kiến nghị của DN. Triển khai chương trình đột phá của TP về cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2020, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, tuân thủ thủ tục hành chính tại đơn vị nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và DN. Giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020.
Ngoài ra, 100% sở ban ngành và UBND các quận huyện có đường dây nóng, hỏi đáp trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của cơ quan và các hình thức đối thoại, hỏi đáp trực tiếp và gián tiếp qua các công cụ thông tin khác để kịp thời hướng dẫn và giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc cho DN. Hệ thống các vấn đề vướng mắc thường gặp của DN thành cẩm nang hướng dẫn và đăng công khai thành chuyên mục trên cổng thông tin điện tử, giúp DN tiếp cận và tham khảo dễ dàng.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết: “Trên địa bàn TP đang có khoảng 281.309 hộ kinh doanh cá thể thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành hàng. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 TPHCM có 500.000 DN thì dự kiến ít nhất 100.000 hộ kinh doanh thực hiện chuyển sang hoạt động theo hình thức DN. Như vậy mỗi năm yêu cầu phải có bình quân 25.000 DN. Do đó, kế hoạch không tập trung vào một số ngành hàng nhất định mà vận động, thúc đẩy trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề”.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình kích cầu đầu tư, như gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ; gói hỗ trợ DN khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN trị giá 1.000 tỷ đồng; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp… Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TPHCM, cho rằng các hộ kinh doanh nên tìm hiểu nhiều hơn về các lợi ích có được sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. Với những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho DN như hiện nay, nếu lên DN sẽ thuận lợi hơn hộ kinh doanh cá thể. Điển hình, các ngân hàng thương mại đã ban hành các quy chế cho vay vào đầu năm 2017, theo đó, việc cho vay vốn chỉ dành cho 2 đối tượng là pháp nhân và thể nhân, trong khi đó các hộ kinh doanh cá thể không thuộc 2 đối tượng này.
Theo các chuyên gia, những cơ chế, chính sách mà TPHCM đề ra khá đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống, người kinh doanh thực sự hiểu rõ những lợi ích của mình trong việc chuyển đổi mô hình thì phải có những giải pháp cụ thể, căn cơ hơn. Do vậy cần tích cực thông tin chi tiết và đầy đủ hơn về cơ chế chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN, đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể nào thuộc diện phải chuyển đổi và hộ kinh doanh cá thể nào thuộc diện khuyến khích.
Đồng thời, phổ biến thông tin cơ chế chính sách, trang thông tin điện tử về chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN cần chỉ rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người kinh doanh khi chuyển đổi lên DN để chương trình đạt hiệu quả cao.