Thống đốc Nhân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian qua, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ); trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Đáp ứng nhu cầu vốn tốt nhất
Riêng tại TPHCM, 4 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 1,566 triệu tỷ đồng, tăng 6,25% so với cuối năm ngoái và tăng 21,6% so với cùng kỳ. Hoạt động tín dụng những tháng đầu năm trên địa bàn TP đạt được những kết quả tích cực là do ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND TPHCM. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TP. Chính vì thế, chất lượng tín dụng ngày càng tốt hơn, tỷ trọng tín dụng trong tổng dư nợ vẫn tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Cụ thể đến nay, tín dụng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao có dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đạt 145.646 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ DN vừa và nhỏ chiếm gần 64% tổng dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên.
Riêng đối với Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) năm 2017 trên địa bàn TPHCM, tính đến cuối tháng 3-2017, có 16 ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký tham gia và đã giải ngân cho vay với số tiền gần 56.200 tỷ đồng cho gần 3.300 khách hàng vay. Song song với việc giải ngân gói hỗ trợ trên, hiện các quận huyện vẫn tiếp tục khảo sát, tổng hợp danh sách DN khó khăn về vốn, có nhu cầu vay vốn gửi về Sở Công thương và NHNN chi nhánh TPHCM để xử lý, giải quyết; từ đó chỉ đạo các NHTM tiếp cận và cho vay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết để tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận vốn từ chương trình này, hiện danh sách nhu cầu vay vốn của DN đã được các quận huyện gửi trực tiếp cho NHTM trên địa bàn nắm bắt, tháo gỡ và cho vay ngay mà không phải mất thời gian gửi qua NHNN chi nhánh TPHCM hoặc Sở Công thương như trước đây (mất từ 10 - 21 ngày). Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cách làm mới này hiệu quả hơn rất nhiều vì NHTM và DN cùng trú trên một địa bàn nên thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin tình hình DN, khả năng trả nợ, hiệu quả dự án… Từ đó, DN được tiếp cận vốn từ ngân hàng nhiều hơn.
Tính chung, tổng số tiền cho DN, hộ sản xuất kinh doanh vay theo Chương trình Kết nối NH-DN đã đạt 56.524 tỷ đồng với gần 3.340 khách hàng được vay vốn. Từ nay đến cuối năm, NHNN chi nhánh TPHCM tiếp tục theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện và giải ngân gói tín dụng hỗ trợ DN trên địa bàn với lãi suất cam kết (cho vay ngắn hạn không quá 7%/năm, trung và dài hạn ở mức 9%/năm); tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối NH-DN theo chuyên đề nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho DN.
Triển khai sâu rộng chương trình kích cầu
Song song với Chương trình kết nối NH-DN, NHNN chi nhánh TPHCM cho hay, NHNN Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh các tỉnh thành tiếp tục đẩy mạnh chương trình cho vay bình ổn thị trường (BOTT). Theo đó, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ chủ động nắm bắt thông tin, tiếp tục tham mưu cho UBND TP các giải pháp triển khai chương trình cho vay BOTT hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành lựa chọn mặt hàng thiết yếu là các hàng hóa sản xuất trong nước tham gia chương trình để phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp; khuyến khích mở rộng danh sách DN tham gia chương trình cho vay BOTT…
Về kết quả Chương trình cho vay BOTT trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, đến cuối quý 1-2017, Chương trình BOTT của TPHCM năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 đã kết thúc. Theo đó, 10 NHTM đã tham gia cho vay với hạn mức đăng ký đạt 12.900 tỷ đồng. Chương trình BOTT năm 2016 bao gồm các mặt hàng: lương thực, sản phẩm phục vụ mùa khai giảng, sữa và dược phẩm. Tính đến cuối tháng 2-2017, doanh số cho vay từ đầu chương trình đến nay đạt 1.757 tỷ đồng (hạn mức của các món vay này là 1.328 tỷ đồng). Dư nợ cho vay của chương trình đạt gần 570 tỷ đồng cho 13 DN vay vốn.
Từ đầu tháng 4-2017, TPHCM đã chính thức triển khai thực hiện các chương trình BOTT năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong năm 2017, TP tiếp tục thực hiện chương trình kết nối giữa NH - DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận các nguồn vốn để tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho TP. Ngoài ra, năm nay TPHCM sẽ triển khai sâu rộng chương trình kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2020, đến các DN tham gia bình ổn. Về cơ chế thực hiện các chương trình năm 2017, nguồn vốn bình ổn sẽ thực hiện theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ DN thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung ứng thị trường. Giá bán hàng bình ổn là do các DN tự xây dựng và kê khai tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất từ 5% - 10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, DN sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.