Đổi mới để phát triển

|

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được coi là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện CVĐ vẫn gặp không ít khó khăn do sức cạnh tranh của hàng Việt, nhất là hàng thuần Việt còn rất yếu. 

Sức cạnh tranh yếu
Số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, kể từ khi Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) được triển khai từ năm 2009 đến nay, hàng Việt ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Riêng tại TPHCM, liên tục trong 3 năm gần đây, đã có xấp xỉ 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80%-90%. 
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công thương, các chương trình phủ sóng hàng Việt còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn, khu vực. Hàng Việt có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hiện chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, vốn là nơi được kiểm soát chặt chẽ các quy định về chất lượng và xuất xứ hàng hóa. 
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, thị trường tiêu dùng tiềm năng, số lượng các siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên hàng hóa được phân phối chủ yếu ở mạng lưới chợ. Đa phần sản phẩm hàng Việt được phân phối tại đây chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, còn các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, gia dụng... tỷ lệ hàng Việt khá thấp.
Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) hiện nay còn yếu khiến tính cạnh tranh của một số loại hàng Việt còn thấp. Phó tổng giám đốc phụ trách thu mua của một trong những hệ thống siêu thị hàng đầu tại TPHCM (đề nghị giấu tên) nhìn nhận, hàng Việt đã thực sự được tiếp sức kể từ khi Bộ Chính trị phát động CVĐ trên toàn quốc. Nhưng dường như nhóm hàng Việt có nguồn gốc từ khu vực DN FDI đang tận dụng tốt nhất hiệu ứng từ CVĐ. Trong khi đó, DN thuần Việt vẫn chưa thực sự bứt phá. Có thể thấy, ở ngành hàng hóa mỹ phẩm, mỗi năm các nhãn hàng thuộc các DN FDI tung ra khoảng 3 - 4 chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, kèm theo đó là việc liên tục giới thiệu mẫu mã mới để luôn nhắc người tiêu dùng nhớ tên sản phẩm của họ. Còn với DN thuần Việt, năm nào cũng chỉ có bấy nhiêu sản phẩm, lại rất ít khuyến mãi. “Trên thực tế, chúng tôi rất hiểu DN thuần Việt yếu về vốn, kỹ thuật, công nghệ và thiếu hẳn một định hướng chiến lược marketing. Nếu không có sự ưu tiên nhất định cho hàng thuần Việt thì họ khó có thể đứng vững trên quầy kệ dưới áp lực mở cửa thị trường, cạnh tranh ngày càng cao. Nhưng nếu tình hình này kéo dài, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, vị phó tổng giám đốc trên chia sẻ. 
 Người tiêu dùng mua sản phẩm Co.op Organic tại Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ở nhóm các mặt hàng như quần áo, giày dép, hàng gia dụng…, các DN Việt còn yếu trong khâu nghiên cứu thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao. Cách thức tổ chức trong phân phối sản phẩm ra thị trường chính là nút thắt khiến hàng Việt dù có chất lượng tốt cũng khó đến được tay người tiêu dùng. Nhiều lần theo chân đoàn DN thực hiện phiên chợ hàng Việt về nông thôn, chúng tôi nhận thấy ngay cả các DN có thương hiệu cũng chưa làm tốt khâu này. Điển hình như trường hợp DN đã mở được đại lý, đưa hàng đến tận các chợ, nhưng sau đó lại để xảy ra tình trạng “đứt, gãy” hàng nên buộc người bán phải lấy sản phẩm của DN khác thay thế. Đến khi DN kia quay lại thì đã muộn…
Tự hào hàng Việt Nam 
Chính bởi nguyên do này nên không ít DN trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Theo các chuyên gia kinh tế, quan điểm trước đây của nhiều DN là hàng tốt thì xuất khẩu; còn hàng bình thường, thậm chí hàng kém chất lượng hơn thì đem tiêu thụ trong nước... nhưng nay đã thay đổi. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa; từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.
Tại TPHCM, nhiều năm qua, các chương trình hành động thực hiện CVĐ đã gắn với Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) ngày càng phát huy hiệu quả. Hàng loạt DN tham gia CTBOTT đã tập trung đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, không ngừng đổi mới và đa dạng mẫu mã để chinh phục người tiêu dùng trong nước; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều DN đã trở thành thương hiệu dẫn đầu như Vinamilk, NutiFood (sữa); Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Phạm Tôn, Cầu Tre (thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến); Hami, Mr.Vui, Sanding, Saigon Co.op, Fahasa, Vĩnh Tiến, Viễn Đông (tập vở, ba lô - túi xách, đồng phục học sinh)… Không chỉ nổi tiếng trong nước, một số thương hiệu đã thực sự vươn ra thế giới bằng chính chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại. Mới đây nhất, sản phẩm Grow Plus của Công ty NutiFood đã được trình bày về hiệu quả phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi tại cuộc hội thảo về dinh dưỡng tổ chức tại Mỹ, với sự tham gia của 120 tổ chức phi chính phủ, DN, tổ chức tài chính cùng các công ty dinh dưỡng đến từ 40 nước trên thế giới. Grow Plus được Công ty Nghiên cứu thị trường Neilsen chứng nhận là sản phẩm đứng đầu trong toàn ngành dành cho trẻ em năm 2016. Đây là phần thưởng cho NutiFood trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu không mệt mỏi để đưa ra sản phẩm chất lượng cao nhưng giá cả lại phù hợp với túi tiền của nhiều người dân. 
Ở bình diện quốc gia, để tiếp sức cho hàng Việt, năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước, đề ra nhóm giải pháp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt thông qua việc tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền về CVĐ, gắn kết với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Dự kiến đến năm 2020, trên 70% người dân biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”. Đề án này cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100%. Các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...
Hiện nước ta đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; vì vậy, nếu các DN không có chiến lược bài bản để liên tục đổi mới, sáng tạo nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh tốt nhất, chắc chắn DN đó sẽ bị đào thải.