Từ ngày 1-9, TPHCM truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm

|

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TPHCM), cho biết kể từ ngày 31-7, TPHCM chính thức kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường TP theo đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. 

Một trang trại nuôi gà đẻ trứng trên dây chuyền tự động theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thu Hạnh
Đây là thời điểm bắt buộc 100% sản lượng thịt heo phân phối tại TPHCM phải truy xuất được nguồn gốc. Đến ngày 1-9-2017, TPHCM cũng chính thức kiểm soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt và trứng gia cầm cung ứng vào thị trường TP.
Để thực hiện việc truy xuất đạt hiệu quả, vừa qua, Sở Công thương TP đã gửi công văn đến 2 công ty quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TP là Bình Điền và Hóc Môn, yêu cầu tăng cường tổ chức thông tin, tuyên truyền đến thương nhân, thương lái kinh doanh tại chợ về chủ trương của UBND TP là từ ngày 31-7, 100% sản lượng thịt heo kinh doanh tại 2 chợ phải được truy xuất nguồn gốc theo quy định của đề án. Theo đó, từ ngày 20-7, ban quản lý đề án đã khóa tài khoản (mã code) cấp tạm cho các thương lái đăng ký tham gia đề án; do đó, việc kích hoạt thông tin vòng nhận diện bắt buộc phải do các trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện.
Cùng với đó, Sở Công thương TPHCM cũng gửi văn bản đến sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) các tỉnh, thành khác thông báo kế hoạch thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo khi đưa vào TPHCM, kể từ ngày 31-7 tới. Do đó, sở NN-PTNT các tỉnh, thành cần chỉ đạo chi cục thú y địa phương rà soát, nhắc nhở các hộ gia đình, cơ sở, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi và giết mổ heo trên địa bàn đăng ký tham gia đề án để tránh trường hợp không đưa được heo vào bán tại TPHCM do không thực hiện đúng yêu cầu, quy định của đề án. Khi bán heo vào TP phải đeo vòng nhận diện (vòng màu vàng) vào chân heo và cung cấp thông tin về nguồn gốc con heo do cơ sở mình bán ra. Hỗ trợ, phối hợp với Sở Công thương, Hội Công nghệ cao, Chi cục Thú y TPHCM thực hiện đầy đủ các bước kiểm xuất và kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc theo đúng quy trình của đề án. Phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức các buổi tập huấn cho hộ gia đình, cơ sở, HTX đăng ký thực hiện theo đúng yêu cầu. 
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nếu triển khai tốt đề án tại 2 chợ đầu mối (chiếm khoảng 80% lượng heo cung cấp cho các chợ bán lẻ trên toàn TP), cộng với 15% sản lượng thịt heo do các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi phân phối, cũng đồng nghĩa TPHCM đã thực hiện truy xuất được khoảng 95% lượng thịt heo cung ứng trong toàn TP. Số còn lại, TP sẽ siết chặt việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo 100% lượng thịt heo phân phối tại TPHCM được truy xuất nguồn gốc theo đúng kế hoạch.
Riêng đối với mặt hàng thịt và trứng gia cầm, số lượng các trang trại đăng ký tham gia đề án có 11 trại ấp con giống, 27 trại giống, 343 trại gà thịt, 13 cơ sở giết mổ, 53 trại trứng và 6 cơ sở chế biến trứng. Trong đó, 50% là doanh nghiệp FDI có quy mô chăn nuôi rất lớn, từ 10.000 - 20.000 con đến hàng trăm ngàn con. Căn cứ vào vòng đời của một sản phẩm thịt gia cầm bình quân là 2 tháng, dựa trên kết quả khảo sát của cơ quan thú y, ban quản lý đề án sẽ xem xét các trang trại đạt yêu cầu để đưa vào đề án thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm kể từ ngày 1-9 tới. 
Điểm khác biệt của việc truy xuất nguồn gốc thịt heo và thịt gia cầm, đó là TPHCM chỉ truy xuất nguồn gốc heo kể từ khi xuất chuồng (tức con heo đó được nuôi tại trang trại nào, giết mổ từ đâu, được bán sỉ tại chợ nào và bán lẻ tại đâu). Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc đối với thịt gia cầm sẽ được truy xuất ngay từ con giống (tức trứng đó được ấp từ đâu, nuôi tại trang trại nào, giết mổ ở đâu…). Theo kế hoạch của Sở Công thương, ngay sau khi triển khai truy xuất 100% sản lượng thịt heo cung ứng cho thị trường TP, ban quản lý sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án, đó là thực hiện truy xuất kể từ con giống cho tới khi phân phối ra thị trường.
Theo Sở Công thương, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt và trứng gia cầm triển khai gặp nhiều thuận lợi hơn so với thịt heo. Nguyên nhân là việc chăn nuôi gia cầm được thực hiện tập trung tại các trang trại lớn, đã và đang thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, việc truy xuất sẽ thực hiện theo từng lô gia súc nuôi tại các trang trại chứ không truy xuất trên từng con như thịt heo.