Ngân hàng “tung” vốn rẻ

|

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ ngày 10-7. Việc giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm đáng kể chi phí tài chính, hỗ trợ nhiều hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng sức cạnh tranh…

DN vừa và nhỏ vay vốn tại VPBank được giảm lãi suất so với trước đây. Ảnh: MINH HUY
Hưởng ứng chủ trương
Ngay sau khi NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất ngay sau đó nhằm hưởng ứng chủ trương này.
Cụ thể, VPBank công bố chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN vừa và nhỏ từ 0,5% - 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của DN. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng triển khai gói vay 10.000 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho cá nhân và DN với lãi suất từ 7%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng có được nguồn vốn sản xuất kinh doanh 5 lĩnh vực  ưu tiên.
Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó giám đốc khối DN Ngân hàng Á Châu, cho biết từ đầu năm đến nay, ACB đã triển khai chương trình hỗ trợ vay dành cho DN vừa và nhỏ. Đợt này, ACB tiếp tục mở rộng thêm gói 7.000 tỷ đồng hỗ trợ DN mở rộng kinh doanh trong quý 3 và 4-2017 với lãi suất thấp hơn trước đây. Gói vay này được triển khai trên toàn quốc và tập trung phát triển cho vay dành cho DN vừa và nhỏ tại khu vực TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
“Ngoài ra, ACB sẽ dành 3.000 tỷ đồng bình ổn giá đối với các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp nông thôn (ngoài các TP lớn) đối với khách hàng đủ điều kiện (vật tư nông nghiệp), hỗ trợ nông dân trồng trọt (lúa, cao su, cà phê), thu mua nông sản, lãi suất từ 6,5%/năm. Riêng đối với khu vực TPHCM, Hà Nội và các TP lớn cho vay hỗ trợ phục vụ kinh doanh lãi suất từ 8%/năm. Ngoài ưu đãi lãi suất, ACB còn tặng khách hàng các giải pháp tài chính, gói dịch vụ chuyển tiền miễn phí rất đa dạng”, ông Nguyễn Hoài Phương cho hay. 
Tương tự, Ngân hàng Eximbank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế được ưu tiên. Ngoài mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,5%/năm nêu trên, hiện Eximbank đang triển khai gói 9.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng đối tượng DN với lãi suất dưới 7%/năm. Cụ thể, gói sản phẩm FIN LC với lãi suất dao động từ 5% - 6%/năm dành cho DN có doanh thu từ 200 tỷ đồng trở lên; sản phẩm FIN MME với lãi suất từ 6% - 7%/năm nếu DN có doanh thu từ 50 tỷ đồng trở lên; sản phẩm FIN SME lãi suất từ 6,5% đến trên 7%/năm cho DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng…
Thông qua động thái giảm lãi suất này, các ngân hàng thương mại cho biết, đều đang có chủ trương hạ lãi suất đối với nhóm 5 đối tượng ưu tiên, đặc biệt là nhóm DN xuất nhập khẩu, bởi đây là đối tượng khách hàng mà nhiều ngân hàng hướng đến. Chỉ đạo của NHNN là cú hích đúng lúc để các ngân hàng thực hiện ngay việc giảm lãi suất. 
Doanh nghiệp khác vẫn được ưu đãi
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tăng trưởng tín dụng của TPHCM đến cuối tháng 6 khoảng 10% so với cuối năm 2016. Trong đó, nhờ các ngân hàng thương mại tích cực triển khai cho vay các chương trình hỗ trợ DN như Chương trình Kết nối Ngân hàng - DN, cho vay bình ổn thị trường... nên tỷ trọng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tại TPHCM chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, với quyết định giảm lãi suất của NHNN, từ nay, những DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên đương nhiên được giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6,5%/năm mà không cần phải chờ các ngân hàng thương mại công bố. Chính vì thế, việc này sẽ kích thích các DN trong lĩnh vực này mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
“Rất có khả năng tăng trưởng tín dụng tại TPHCM sẽ đạt 18% vào cuối năm 2017 nhờ vào chủ trương giảm lãi suất của NHNN và hàng loạt ngân hàng thương mại tung ra gói hỗ trợ lãi suất cho DN trong sản xuất kinh doanh mới đây”, ông Minh nhận định. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, không riêng gì các DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận với vốn giá rẻ của ngân hàng mà các DN khác cũng sẽ được các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất thông qua các gói vay phù hợp mà các ngân hàng thiết kế. 
Thực tế cũng cho thấy, sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, ngoài công bố giảm lãi suất cho các DN trong nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên, nhiều ngân hàng thương mại cho biết sẽ áp dụng giảm lãi suất cho cả những khoản vay đối với DN không nằm trong nhóm này. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, ngân hàng này sẽ giảm lãi suất 0,55% tất cả các khoản vay cho DN hoạt động ở lĩnh vực khác, thay vì chỉ hạ lãi suất nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Theo lãnh đạo SCB, trong bối cảnh thanh khoản tại ngân hàng khá dồi dào, việc giảm lãi suất cho vay đối với các DN là hợp lý. Mặc dù việc giảm lãi suất này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng nhưng việc đồng hành để DN có nguồn vốn rẻ sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước là điều cần thiết.