Tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

|

Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số phát triển công nghiệp trên toàn địa bàn TPHCM tăng 7,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,9%). Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Chế biến cao su xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cao su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Thăng
Đáng chú ý, động lực tăng công nghiệp tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP với mức tăng 9,72%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Về đầu tư trong nước, TP có hơn 18.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 227.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 26.000 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Trong đó, vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 265.000 tỷ đồng. 
Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt trên 492.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. “Con số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 10% so cùng kỳ nhưng số vốn tăng trên 2 lần là một tín hiệu rất tốt; cho thấy doanh nghiệp thành lập mới có chất lượng hơn, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất”, đại diện Sở Công thương TPHCM phân tích. Dự báo, trong những tháng cuối năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ tăng cao hơn khi các quận huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp. 
Đối với dự án đầu tư FDI, TP cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 340 dự án, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Tính chung vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần… TP đã thu hút được 2,15 tỷ USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ). 
Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2017, UBND TPHCM đã đề nghị các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... đồng thời, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. 
Cụ thể, UBND TPHCM bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển sang thành lập doanh nghiệp; bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện Sở Công thương đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp; giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp bằng chính sách xây dựng chương trình xúc tiến thương mại nội địa nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp TP tại các tỉnh thành trong cả nước; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Sở Công thương cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo triển khai một số khu công nghiệp đặc thù nhằm phục vụ nhu cầu nhà xưởng sản xuất, kinh doanh với diện tích từ 300 - 500m2 để hỗ trợ doanh nghiệp.