Vay tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu

|

Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với 70% trong độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi, nên được đánh giá là thị trường tiêu dùng lớn và nhiều tiềm năng để phát triển tín dụng tiêu dùng. Song hoạt động cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu rất lớn.

Giao dịch vay tiêu dùng tại một ngân hàng Ảnh: CAO THĂNG
Cho vay dễ - đòi khó
Tài chính tiêu dùng hay tín dụng tiêu dùng là hình thức cho vay phổ biến trên thế giới, nhưng hoạt động này chỉ mới phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Đó là hoạt động cung cấp các khoản vay cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ, phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình. Tài chính tiêu dùng hoàn toàn phân biệt với hoạt động cho vay thương mại hướng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khác với dịch vụ cho vay có tài sản thế chấp, dịch vụ cho vay tiêu dùng được dựa trên sự đánh giá tín nhiệm của khách hàng. 
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), cho biết một trong những nguyên nhân ngày càng có nhiều người lựa chọn hình thức vay tiêu dùng từ các công ty tài chính bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ cá nhân khác... Đặc biệt, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ với thời gian giải ngân khá nhanh, thậm chí chỉ trong vài chục phút. 
Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với 5 năm trước đây, với những khoản vay nhanh chóng, chỉ cần 15-20 phút là phê duyệt xong khoản vay. Hơn nữa, các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, khách hàng có mức thu nhập thấp nên không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính với dịch vụ tín dụng tiêu dùng ra đời cũng nhằm đáp ứng được những tiêu chí đó. Bên cạnh đó, với sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng, hiện nay đối tượng có lợi nhất là người tiêu dùng và kích thích người dân mua sắm nhiều hơn các phương thức cho vay truyền thống. Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng với thời gian nhanh chóng, thủ tục đơn giản dẫn đến một số rủi ro về nợ quá hạn, nợ xấu. Đó cũng chính là lý do lãi suất cho vay tiêu dùng được các công ty tài chính áp dụng cao hơn lãi suất ngân hàng. Ông Phong cũng chỉ ra rằng, rủi ro tín dụng tiêu dùng chính là việc khách hàng không trả đúng hẹn và đủ số tiền vay xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Khi đó rủi ro tín dụng tiêu dùng đã lớn dần và rơi vào cấp độ cao hơn khi khách hàng cố ý không trả nợ, trả nợ nửa chừng, không tất toán xong hợp đồng vay... Trong khi đó, vì không có tài sản thế chấp và chỉ dựa vào lịch sử tín dụng nên các khoản nợ về tín dụng tiêu dùng trên cơ bản là rất khó đòi. 
Nhiều gian lận 
Tại hội thảo báo cáo tín dụng phục vụ hoạt động tài chính tiêu dùng nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo và khai thác thông tin tín dụng phục vụ hoạt động tài chính tiêu dùng do IFC - thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển CIC, cho biết hiện người Việt Nam đang nắm giữ nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như giấy chứng minh nhân dân cũ, chứng minh nhân dân mới, căn cước công dân, hộ chiếu… và mỗi loại có mã số ID khác nhau nên có tình trạng một người vay tiền ở nhiều nơi khác nhau khá phổ biến. Để hạn chế tình trạng này, ông Tuấn cho biết CIC đã đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hợp tác với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an - để xác định các khách hàng đang nắm giữ nhiều giấy tờ tùy thân khác nhau. Sau đó, CIC sẽ thực hiện dịch vụ xác thực giúp các tổ chức tài chính tránh tình trạng gian lận giấy tờ trong tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng. Với vai trò là trụ cột quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam, CIC đã từng bước mở rộng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, tạo nền tảng vững chắc để cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng. 
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, chỉ có 51% dân số trưởng thành của Việt Nam có hồ sơ thông tin tín dụng. Trong khi các nước phát triển trên thế giới có độ phủ thông tin tín dụng xấp xỉ 100% dân số trưởng thành. Chính vì thế, CIC đề xuất các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tự nguyện cần tích cực hợp tác báo cáo dữ liệu về CIC để hỗ trợ tăng độ phủ của thông tin tín dụng, góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay.
Theo dữ liệu tại CIC, hiện có khoảng 34 triệu khách hàng có thông tin tín dụng, trong đó có 33,4 triệu khách hàng cá nhân và trên 700.000 khách hàng doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy, đối với nhóm 5 công ty tài chính cho vay tiêu dùng có số lượng khách hàng vay lớn, chiếm 3% tổng dư và số còn dư nợ là 47%, với món vay nhỏ, dư nợ cho vay bình quân 12 triệu đồng/khoản vay, thấp hơn nhiều so với dư nợ cho vay bình quân của nhóm 5 ngân hàng thương mại là 286 triệu đồng/khoản vay và chiếm 17% tổng dư nợ. Đáng chú ý, có những công ty tài chính phải điều chỉnh thông tin tín dụng của khách hàng tới 94 lần/tháng.
Điều này cho thấy, nếu các công ty tài chính không hoàn thiện quy trình về hồ sơ cho vay khách hàng một cách chính xác và đầy đủ hơn thì rủi ro trong cho vay tiêu dùng là rất lớn.