Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào cuộc

|

Tuần qua, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM đã có nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) sẽ tham gia hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2017” giữa TPHCM và các tỉnh, thành diễn ra tại Nhà Thi đấu Phú Thọ (TPHCM) từ ngày 8-12 đến 10-12 tới. 

Theo nhận định của các DN, với việc mở rộng quy mô tổ chức, mời gọi các thành phần DN cùng tham gia trưng bày, giới thiệu và trao đổi hàng hóa, nhiều khả năng hội nghị năm nay sẽ mang lại những kết quả ấn tượng. 
2.709 DN tham gia 

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tính đến nay công tác chuẩn bị cho hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã cơ bản hoàn thành. Hiện lãnh đạo sở công thương của 36 tỉnh, thành trên cả nước đã đăng ký tham dự hội nghị. Theo đó, số lượng DN của TPHCM và các tỉnh, thành tham gia giới thiệu, trưng bày hàng hóa tại hội nghị là 2.709 DN, gồm 31 DN khu vực miền Bắc, 154 DN miền Trung, 317 DN miền Nam và 2.207 DN TPHCM. Các mặt hàng giới thiệu tại hội nghị năm nay chủ yếu là hàng đặc sản của các địa phương; hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và chế biến đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc; hàng  thủ công mỹ nghệ và hàng tiêu dùng có tiềm năng xuất khẩu. 

Các thông tin từ hội nghị cũng được cập nhật thường xuyên trên website ketnoicungcau.vn. DN vào đăng ký tham gia, khai báo thông tin để được cấp tài khoản và tham gia sàn giao dịch kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Trên website có đầy đủ thông tin liên quan đến bộ phận mua hàng của các nhà phân phối bán lẻ. 
Chế biến mít tại Bình Dương cung ứng thị trường TPHCM, các tỉnh và xuất khẩu     
Ảnh: CAO THĂNG
 Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội nghị năm nay sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề như “Kết nối sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại”, “Kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ 2017”, “Kết nối sản phẩm vào kênh phân phối truyền thống”, tọa đàm “Các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm”…
Theo Sở Công thương TPHCM, sau 6 năm tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành; đến nay, quy mô hội nghị ngày càng mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương và DN tham gia ký kết hợp đồng cung ứng và bao tiêu sản phẩm ngày càng gia tăng, đạt 1.761 hợp đồng, tổng giá trị hàng hóa giao dịch đạt hàng chục ngàn tỷ đồng. Hỗ trợ xuất nhập khẩu  Nếu những năm trước, mục tiêu tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành chủ yếu là hỗ trợ DN đưa hàng vào các hệ thống phân phối tại TPHCM (bao gồm cả hiện đại và truyền thống), năm nay sẽ mở rộng đến các DN xuất nhập khẩu (XNK). Ban tổ chức mong muốn thông qua hội nghị, các DN xuất khẩu sẽ tìm được những đối tác phù hợp để đưa hàng Việt ra nước ngoài. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện có 18 nhóm sản phẩm XNK sẽ được trưng bày và giới thiệu tại hội nghị.  Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty XNK Intimex - một trong những đơn vị xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất Việt Nam - cho rằng thông tin về chương trình năm nay rất mới và cần duy trì trong những hội nghị cung cầu sắp tới. Tuy vậy, theo danh sách được cung cấp, những sản phẩm giới thiệu tại hội nghị năm nay chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún; trong khi yêu cầu xuất khẩu cần đến số lượng rất lớn, sản phẩm phải đặc trưng. Không thể sản xuất và bán cái chúng ta có mà phải bán cái thị trường cần. Trước đây xuất khẩu trái cây Việt Nam gần như thế giới không ai biết tới, thì bây giờ nhiều nhà nhập khẩu sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn. Có thể sản phẩm xuất khẩu ban đầu không lớn nhưng được thị trường nhập khẩu chấp nhận thì sẽ tiêu thụ tốt. Ví dụ như trái thanh long Việt Nam đã trở thành món tráng miệng của nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trên thế giới; cà phê sữa đá được thị trường Mỹ chấp nhận…  Liên quan đến việc kết nối, ông Đỗ Hà Nam góp ý cần phải đẩy mạnh hơn nữa để các DN sản xuất có điều kiện gặp gỡ DN xuất khẩu lớn như Intimex. “Chúng tôi là DN có uy tín. Nếu khi chào hàng, chúng tôi nói sản phẩm đó tốt thì khách hàng tin tưởng. Do vậy, cần xác định sản phẩm đưa ra chào hàng phải kèm theo đặc tính, khả năng phát triển sản phẩm thế nào. Ví dụ nhà xuất khẩu đặt hàng 10 container mà nhà sản xuất chỉ cung ứng được vài tấn thì sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung. Mỗi sản phẩm chào bán phải nhìn thấy tương lai của nó, như Intimex đang xuất khẩu chuối tươi nhưng có thể nhìn ra khả năng xuất khẩu chuối khô, chuối đóng hộp với sản lượng bao nhiêu... cũng cần phải tính tới”, ông Đỗ Hà Nam nói.  Một số ý kiến cũng cho rằng, tiềm năng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn rất lớn, nếu chúng ta thay đổi tư duy trồng lúa bằng những cây trồng khác như chuối, xoài... từ đó, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn, chắc chắn sẽ giải quyết được bài toán “được mùa - mất giá” cho nhà nông. Trên thực tế, các nhà xuất khẩu hoàn toàn có thể hợp tác với nhà sản xuất để đầu tư phát triển các vùng chuyên canh. Các nhà xuất khẩu hy vọng, thông qua hội nghị kết nối lần này, trong giai đoạn đầu có thể chưa tìm được gì, nhưng sẽ là cơ hội để các DN tăng cường hợp tác mang lại kết quả tốt trong tương lai. Nói cách khác, việc kết nối giúp nhà mua hàng nhìn được thực trạng và giải quyết vấn đề nhanh hơn là DN tự chủ động đi tìm nguồn hàng, tìm đối tác. Các nhà xuất khẩu cũng yêu cầu, DN giới thiệu hàng phải cung cấp và đáp ứng đầy đủ điều kiện và có giấy chứng nhận, ít nhất là VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Còn nếu chỉ có những thông tin cơ bản về tên DN và sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Về vấn đề này, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết sẽ đề nghị DN từ các tỉnh, thành cung cấp chi tiết hơn thông tin về sản phẩm và các tiêu chuẩn đi kèm. Trang web ketnoicungcau.vn mong muốn trở thành địa chỉ để DN xuất khẩu có thể tìm được nhà cung cấp phù hợp. Cũng tại buổi làm việc, một số DN xuất khẩu cho rằng, họ đã tiếp xúc và xuất khẩu hàng hóa thông qua các tập đoàn nước ngoài. Ngoài các tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng, các nhà nhập khẩu còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, môi trường... Vì thế, các DN cần lưu ý thêm trong quá trình hoạt động để DN sản xuất và DN XNK có thể hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.