“Tỉnh táo” khi hội nhập

|

Cách nay ít ngày, Trung Quốc đưa ra thông tin “siết” hàng nhập khẩu từ Việt Nam, buộc doanh nghiệp (DN) nước ta (chuyên doanh rau, củ, quả…) phải đảm bảo các điều kiện về hồ sơ chứng nhận xuất xứ để thuận tiện truy xuất nguồn gốc.\r\n

Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm an toàn tại một hội chợ trên địa bàn TPHCM

Điều này cho thấy, xu hướng thả lỏng mậu dịch, nhất là đường biên của quốc gia này đã chuyển hướng. Trước thực tế này, thay vì lo lắng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là cơ hội để DN trong nước chủ động nâng chuẩn chất lượng trong thời kỳ hội nhập, từng bước “vươn ra biển lớn”... 

Coi chừng “chết” vì… lỗi nhỏ

Tại Việt Nam, số lượng những DN chủ động bỏ tiền túi đi học ở các quốc gia phát triển về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng. Nhiều DN đã thành công, từng bước đứng vững trên thị trường, cung cấp sản phẩm cho các thị trường khó tính trên thế giới (Nhật Bản, châu Âu…). Tất nhiên, những sản phẩm Việt này đều đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu. Thế nhưng, thỉnh thoảng đâu đó vẫn có thông tin hàng Việt Nam xuất khẩu bị trả về do nhiễm chất độc, chất cấm. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?

Theo TS Vũ Thế Thành, chuyên gia ẩm thực, gần đây một số DN có sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ bị thu hồi vì vi phạm quy định về ghi nhãn với nội dung dị ứng thực phẩm, dẫn đến nhiều DN bị thiệt hại rất lớn. Mặc dù sai phạm không liên quan đến chất lượng sản phẩm, càng không phải do sản phẩm chứa chất độc hay nhiễm chất cấm như truyền thông phản ánh. Cụ thể, chất gây dị ứng không phải chất độc và bị dị ứng tùy cơ địa mỗi người. Thực phẩm nào có protein (trứng, sữa, đậu phộng…) đều có thể gây dị ứng như chảy nước mũi, nổi mề đay, khó thở, thậm chí có trưởng hợp tử vong (mặc dù rất ít). Tại Mỹ, luật ghi nhãn dị ứng thực phẩm có 8 thành phần phải khai. DN ghi nhãn cảnh báo phải đáp ứng yêu cầu giúp người tiêu dùng nhận biết nhanh chóng, chính xác, dễ hiểu. TS Vũ Thế Thành nói thẳng, chính các DN của Mỹ cũng gặp khó khăn khi thực hiện quy định ghi nhãn cảnh báo. Trường hợp người tiêu dùng đọc nhãn cảnh báo dị ứng nhưng không hiểu, vẫn mua và sử dụng sản phẩm thì DN vi phạm. Chẳng hạn khi DN dùng tên thông thường, không dùng các thuật ngữ khoa học. Ví dụ, phải ghi albumin (egg), whey (milk)… Còn nếu chỉ ghi albumin, whey… là vi phạm. 

Từ thực tế trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết DN cần chủ động tham khảo, tìm hiểu kỹ thông tin từ các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề. Tránh để tình trạng “chết” vì những vi phạm nhỏ, dù rằng đó có thể là những DN lớn, có tên tuổi.

Khai thác “mỏ vàng” chỉ dẫn địa lý

TS Delphine Marie Vivien (chuyên gia người Pháp, có thời gian dài nghiên cứu về chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam) dẫn chứng, trong một số nghiên cứu về tâm lý tiêu dùng trên thế giới cho thấy, khách hàng sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để chi trả cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chỉ dẫn địa lý giúp gia tăng giá trị sản phẩm, bán giá cao gấp đôi thập chí gấp vài chục lần so với sản phẩm cùng loại được bày bán trên thị trường. Thế nhưng, không phải DN nào của Việt Nam cũng hiểu được điều này, bằng chứng có tới 50% chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam chưa được khai thác như trà Mộc Châu, quế Hưng Yên… 

Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tuấn thông tin, Campuchia có 2 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý gồm tiêu và thốt nốt (trong khi Việt Nam có tới 66 chỉ dẫn địa lý) và họ khai thác cực kỳ hiệu quả, đem về giá trị gia tăng cao. Giá tiêu của nước bạn khoảng 425 USD/kg, cao gấp 53 lần so với tiêu Việt Nam (bán khoảng 8 USD/kg). Một trong những nguyên nhân khiến DN nước ta chậm chân trong việc khai thác “mỏ vàng” chỉ dẫn địa lý, theo TS Delphine Marie Vivien, ở Việt Nam, nhà nước là chủ sở hữu các chỉ dẫn địa lý. Còn ở Pháp thì ngược lại, các hiệp hội ngành nghề mới là chủ sở hữu nên họ khai thác rất hiệu quả những gì mà DN trong hiệp hội có quyền. Một dẫn chứng đáng suy ngẫm được TS Delphine Marie Vivien ví dụ, đó là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk khá nổi tiếng trên thế giới với vụ kiện lấy lại thương hiệu từ Trung Quốc, chứ không phải DN biết sử dụng chỉ dẫn địa lý có hiệu quả.  

Bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận, việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng trong giai đoạn hội nhập giúp DN trong nước dễ dàng đạt các tiêu chí đủ chuẩn xuất khẩu hàng ra thế giới, nhất là vào các thị trường khó tính. Quãng thời gian DN chủ động hoàn thiện, nâng chất sản phẩm được xem như “luyện thi”, hướng tới thi thố tại đấu trường rộng lớn mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, cần lắm sự chung tay, hỗ trợ của các cấp ngành, hiệp hội ngành nghề…

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao vừa giới thiệu tới các DN Bộ tiêu chí chuẩn hội nhập, bao gồm các tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm toàn cầu, các vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam, sứ mệnh, mục tiêu của bộ tiêu chí… Đây là công cụ nhằm nâng cấp chuỗi thực phẩm ở nước ta, từ chuỗi cung ứng lên thành chuỗi giá trị; chuyển quản trị chuỗi từ căn bản giá cả sang hệ thống dựa trên tích hợp an toàn thực phẩm, sản xuất có trách nhiệm và minh bạch; tái kiến thiết lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa nội địa…