Nghị định 15 được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Nghị định này thay thế Nghị định 38, ban hành ngày 25-4-2012.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi sống tại một cửa hàng Ảnh: THÀNH TRÍ
DN tự công bố chất lượng Nghị định 15 là một trong rất ít nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký, ngày 2-2, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Một trong những nội dung được cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm. Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố. Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và DN, chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền”. Điều này đồng nghĩa, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó. Với nghị định mới này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các DN đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định. Ngoài ra, Nghị định 15 cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện. Nghị định 15 không quy định trực tiếp đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao UBND tỉnh, thành phố quyết định, dựa theo tình hình thực tế của từng địa phương. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện, không để thời gian chuyển tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Mặc dù có nhiều tiến bộ so với nghị định trước đó, nhưng vẫn còn không ít ý kiến lo ngại, về những thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân tự công bố khi thực tế có không ít thông tin sai lệch, không trung thực về sản phẩm, từng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để trục lợi. Trong khi đó, công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện, xử lý các sản phẩm không an toàn trên thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng? Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định Nghị định 15 mặc dù tạo thông thoáng cho DN, nhưng không buông lỏng quản lý. Việc cho phép DN tự công bố sản phẩm, nhưng không có nghĩa muốn công bố thế nào cũng được, quảng cáo ra sao cũng tùy, mà DN tự công bố chất lượng sản phẩm vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất. “Đặc biệt đối với việc hậu kiểm, Chính phủ hiện đang có đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường, có chức năng mới, sẽ xử lý nhanh hơn, chỉ đạo xuyên suốt, nên việc kiểm soát, tuân thủ các quy định của Nhà nước về ATTP sẽ được đẩy mạnh. Mặt khác, với việc triển khai nghị định trên phạm vi rộng tại hơn 8.000 chợ, gần 400 siêu thị, trên 4.000 cửa hàng tiện ích và hơn 2.000.000 hộ kinh doanh sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống thanh tra thí điểm tại các thành phố lớn về ATTP đến tận tuyến huyện, xã. Với lực lượng thanh tra chuyên ngành này, việc phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, điều kiện ATTP sẽ nhanh hơn”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.Định hướng phát triển bền vững Hiện Bộ Công thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý ATTP. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu, cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Theo bà Lê Việt Nga, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh ATTP ngành công thương. Mục tiêu của hoạt động là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm ATTP trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm. Thời gian tới, trong khuôn khổ dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 24 địa phương. Đồng thời, Bộ Công thương đang phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia thực hiện kiểm nghiệm miễn phí, lấy mẫu ngẫu nhiên một số thực phẩm tại các chợ, siêu thị để đánh giá chất lượng, qua đó góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số ngành hàng. Trên cơ sở đó, các sở công thương địa phương và DN phân phối sẽ tập hợp nhu cầu và đề xuất với Bộ Công thương để có kế hoạch tổng thể phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia triển khai các hoạt động kiểm nghiệm này. Nhằm phổ biến các kiến thức cơ bản về ATTP, quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm, Bộ Công thương đã xây dựng và phát hành “Cẩm nang ATTP trong kinh doanh” và “Cẩm nang quản lý vệ sinh ATTP tại chợ” bao gồm các nội dung cơ bản về tầm quan trọng của ATTP, quản lý nhà nước về ATTP Việt Nam; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, hướng dẫn đáp ứng các yêu cầu về ATTP trong quá trình thẩm định thực tế đối với cơ sở kinh doanh, các câu hỏi thường gặp trong quá trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP… Những hoạt động trên nhằm hỗ trợ DN áp dụng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các hoạt động kết nối cung cầu, truyền thông nhằm xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo chủ trương thông thoáng, giảm ách tắc cho DN, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hỗ trợ DN phát triển bền vững.
Theo Bộ Công thương, trong lĩnh vực ATTP, bộ này đã bãi bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính. Trong đó, bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như: Bản sao có xác nhận của cơ sở, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công thương thực hiện.