Thị trường bán lẻ thay đổi nhanh

|

 

\r\n

Một số cụm từ như doanh nghiệp cô đơn, thiếu gắn kết… được nhiều chuyên gia nhắc đi nhắc lại khi trao đổi về tiềm năng ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Vậy điều gì đang diễn ra khi Internet đã tác động đến thói quen, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng?

\r\n
\r\n\r\n

Việc kết nối doanh nghiệp để hấp thu tốt tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ, làm chủ công nghệ, đi nhanh hơn đối thủ là một trong những lời khuyên được đưa ra trong bối cảnh hiện nay.

Khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.opmart
 Dịch chuyển thói quen tiêu dùng

 Ông Jason Moy, Giám đốc điều hành BCG Singapore,  nhìn nhận khoảng 10 năm trở lại đây, sự kết nối giữa thị trường bán lẻ truyền thống với bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh hơn, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, mua sắm, tương tác với sản phẩm. Nhìn chung, thị trường bán lẻ thế giới và thị trường bán lẻ Việt Nam thay đổi tới mức “chóng mặt”. Nhà bán lẻ trên thế giới đã nhanh chóng tiếp thị đến khách hàng các trải nghiệm sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ số. 

Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen cho biết, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu ngày càng nhiều vào các nhóm hàng như điện tử, tiêu dùng, dược phẩm, du lịch, bất động sản… Đáng chú ý, người Việt dùng khoảng 24 giờ để lướt web. Hành trình mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng cũng dần thay thế bởi nhiều kênh mua sắm khác, đặt ra cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay những thách thức mới trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, nhanh chóng đáp ứng các thói quen tiêu dùng thời đại công nghệ số. Chia sẻ thêm về tác động của Internet ảnh hưởng ra sao đến mô hình kinh doanh truyền thống, chị Xuân Trang, tiểu thương chuyên kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông (quận 5), tâm sự: “Một số mối hàng thân quen nhiều năm trước từ chối mua hàng vì họ hiểu nhầm tôi bán phá giá. Dù thực tế sản phẩm tôi đều bán đồng giá. Điều khác biệt chính là khách mua hàng của tôi rồi họ bán qua online thì giá rẻ hơn từ 40.000 - 50.000 đồng/sản phẩm so với khách mua để bán tại cửa hàng vì tốn tiền thuê mặt bằng. Vài năm trở lại đây, hình thức kinh doanh truyền thống gặp muôn vàn khó khăn”. 

Thông tin từ ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, cho hay hàng loạt nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm và tập trung khai thác vào phân khúc siêu thị, đại siêu thị với thị phần lên tới 92%. Chẳng hạn như Big C (35 siêu thị), Aeon (4 siêu thị), Mega Mall (19 siêu thị), Lotte (13 siêu thị); đồng thời, một số doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Riêng  Saigon Co.op vẫn duy trì được thị phần đối với hàng tiêu dùng nhanh, tăng từ 72% trong năm 2016 lên 73% trong năm 2017 ở 4 thành phố lớn của Việt Nam. Như vậy, với mô hình siêu thị và siêu thị mini, các nhà bán lẻ nội địa Việt Nam đang chiếm vị trí rất lớn với mảng tiêu dùng nhanh, nhưng mảng đại siêu thị là mảng tiếp theo mà doanh nghiệp Việt cần phải cạnh tranh mạnh hơn nữa với các nhà bán lẻ ngoại tại thị trường trong nước. 

Tốc độ tăng trưởng mạnh

Các chuyên gia kinh tế phân tích, kênh bán lẻ truyền thống ở Việt Nam chiếm thị phần lên tới 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%; ngược lại, các kênh bán lẻ tích hợp còn lại có tốc độ tăng trưởng lên tới 11,8%. Khảo sát của Savills tại TPHCM năm 2017 cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn gấp 4 lần vào năm 2015 (khoảng 4%). Chính thói quen tiêu dùng sẽ định hình tương lai ngành bán lẻ theo các tiêu chí như tiện lợi, an toàn, chất lượng… Xu hướng tiêu dùng, tâm lý, hành vi cũng như lứa tuổi của các thế hệ khách hàng mới (trẻ tuổi, sử dụng các dịch vụ mua sắm đa kênh, không dùng tiền mặt…) đặt ra cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ những thách thức mới. Ông Bod Hayward, đại diện KPMG, nhận định nhiều nhà bán lẻ lớn của châu Âu đã đến và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, “chiếc bánh” bán lẻ của thị trường Việt Nam vẫn cực kỳ hấp dẫn. 

Ông Jason Moy, Giám đốc điều hành BCG Singapore, nhận định trên thế giới, nhiều nhà bán lẻ đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot vào chuỗi cung ứng, nhưng chi phí này rất lớn. Ví dụ, Amazon dành 16 tỷ USD, Alibaba chi khoảng 5 tỷ USD cho trí tuệ nhân tạo. Do vậy, việc các nhà bán lẻ tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online cần có phương án phù hợp để kết nối khách hàng một cách hiệu quả. Tức là, doanh nghiệp biết lượng sức mình, “đứng trên vai người khổng lồ” để đạt thành công.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết: “Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng ở hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam trong năm 2020. Định hướng phát triển mạng lưới này được từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp cho từng  mô hình bán lẻ. Đơn vị sẽ giữ vững các giá trị truyền thống, ứng dụng công nghệ để nâng cao trình độ tiêu dùng, nâng cao mô hình bán lẻ Việt Nam, áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược sản phẩm hữu cơ…”