Hàng Việt chiếm ưu thế

|

Thời gian gần đây, hàng ngoại nhập liên tục gây sức ép đối với nhiều mặt hàng trong nước, đặc biệt là ở nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh, hàng công nghệ phẩm. Chỉ riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống và chế biến thì hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chiếm tuyệt đại đa số. Thị phần đối với các nhóm hàng này cũng đang được các tập đoàn đa quốc gia đến từ nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc tập trung khai thác, nhưng trên thực tế vẫn chưa có thương hiệu nào thành công tại Việt Nam.\r\n

Người tiêu dùng mua thực phẩm chế biến sẵn tại Co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: THÀNH TRÍ

Độc quyền thực phẩm chế biến

Dạo quanh các siêu thị tại 2 TP lớn nhất nước ta là TPHCM và Hà Nội như Co.opmart, Aeon, Lotte, Big C, Mega Market, Vinmart, Satramart… đều dễ dàng nhận thấy ở nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến nhập ngoại không có chỗ chen chân. Với tỷ lệ áp đảo đến 99% thị phần, thực phẩm đông lạnh và chế biến trong nước gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. 

Theo các nhà phân phối, nhóm hàng này hiện có hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy bên cạnh mặt hàng sản xuất có nguyên liệu từ thịt gia súc, gia cầm, hải sản như chả giò các loại, chả cua bách hoa, nem nướng, tôm nhúng cốm, các loại thực phẩm từ cá basa, BBQ (đặc sản nướng), kho, xôi hải sản chiên, cá thát lát… các nhà sản xuất trong nước còn tận dụng nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, nước luộc thủy sản, rau củ, gạo, bắp để cung cấp cho người tiêu dùng món ăn tiện dụng như lẩu và nước lẩu cô đặc, các loại thực phẩm chế biến sẵn dành cho bữa sáng được cấp đông, khi dùng chỉ cần làm nóng trong lò vi sóng ít phút là dùng ngay được, đã được người tiêu dùng lựa chọn. 

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua, nhiều công ty tham gia Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm có hương vị mới nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Công ty TNHH Ba Huân có xúc xích gà, gà chế biến các loại, chân gà ngâm chua, gà nguyên con, trứng bắc thảo, trứng muối… Công ty Vĩnh Thành Đạt có các loại trứng ăn liền được hút chân không. 

Hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, Satrafoods đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm sơ chế tẩm ướp đóng khay, vỉ, hộp bọc màn co, có trọng lượng từ 300 - 600g, giá dao động từ 12.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. Các mặt hàng này được quản lý chất lượng chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn liền với các món ăn thông thuộc hàng ngày của nhiều gia đình, bao gồm rau củ quả, thịt các loại, thủy hải sản, gà kho xả ớt, lòng gà xào, cá lóc kho tộ, canh chua cá lóc, canh khoai mỡ, khổ qua dồn thịt… đảm bảo tiêu chí không chất bảo quản, giữ nguyên hương vị, độ tươi ngon của nguyên liệu khi được chế biến thành món ăn với giá cả hợp lý.

Đa dạng hàng nông sản

Cùng với các mặt hàng thực phẩm chế biến, hàng nông sản và thực phẩm tươi sống của Việt Nam cũng ngày càng khẳng định thế mạnh tại thị trường nội địa, thông qua việc tăng cường liên kết để khép kín quy trình từ “trang trại đến bàn ăn”, cũng như phát triển chuỗi mặt hàng, cửa hàng thực phẩm an toàn. 

Ở mặt hàng gạo, đậu các loại, có thể kể đến hàng chục thương hiệu khác nhau, được cung ứng từ các DN như Mecofood, Foodcosa, Angimex, Gentraco, Minh Cát Tấn, Phú Hải, Bảo Minh, Vinh Phát, Tấn Vương… Theo đó, các DN đã khai thác tối đa lợi thế vùng miền của sản phẩm để cung ứng mặt hàng gạo cao cấp, gạo đặc sản, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Công ty Tấn Vương hiện cung ứng khoảng 20 loại gạo các loại, trong đó nổi tiếng là sản phẩm gạo Cát tường; Công ty Lương thực Long An (Mecofood) có gạo Thố cơm, gạo Nàng hương Chợ Đào nổi tiếng của vùng lúa Long An. Công ty Lương thực Tiền Giang bán gạo cao cấp của vùng đồng bằng sông Tiền như Chín con rồng vàng, Hồng hạc, Hoa mai vàng… được sản xuất bởi dây chuyền công nghệ hiện đại, có máy tách màu gạo nên hình thức đẹp, không tạp chất và thóc lẫn, có thể bảo quản lâu dài. Công ty Angimex khai thác vùng lúa gạo An Giang tham gia thị trường với nhãn hiệu Mục đồng và An gia. Công ty Gentraco (Cần Thơ) có nhãn hiệu Cò Trắng của gạo thơm Jasmine… 

Cùng với gạo, còn có sản phẩm được chế biến từ gạo như bún tươi, bún khô của các thương hiệu Safooco; bánh phồng tôm Sa Giang; các loại bột Bích Chi, Vĩnh Thuận, Xuân Hồng… đã tạo được niềm tin trong giới tiêu dùng.

Nhờ lợi thế Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nên trái cây cũng rất phong phú, đa dạng. Nếu khu vực phía Bắc có vải thiều, nhãn lồng, mận, đào, cam canh, dưa lê, dưa bở, bưởi Diễn… thì khu vực miền Nam có sầu riêng, xoài, bưởi các loại, măng cụt, chôm chôm, mãng cầu, cam mật, quýt đường, quýt tiều, thanh long, dưa hấu, dưa lưới… Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều siêu thị ở TPHCM, nếu trái cây trong nước đuợc bày bán ở nhiều quầy hàng thì trái cây nhập khẩu chỉ gói gọn ở một quầy, chủ yếu là táo, lê, nho và cam, cherry. Những năm gần đây, các nhà vườn ở khu vực phía Nam đã thử nghiệm thành công việc thâm canh các loại cây trồng như bưởi, cam, quýt, thanh long cho trái xen canh, thay vì chỉ ra trái theo mùa như trước đây. 

Những năm trước đây, khu vực Tây Nguyên chỉ tập trung trồng những loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê thì gần đây đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như bơ, cam, sầu riêng, quýt, rau củ quả… Chính điều này đã giúp các loại trái cây trong nước ngày càng đa dạng, phong phú.

Ở nhóm mặt hàng rau củ quả, trước đây hàng Trung Quốc chiếm tới 30% sản lượng nhập về các chợ đầu mối tại TPHCM, thì nay chỉ còn từ 5% - 7%. Trong khi đó, tại các chợ bán lẻ, mặt hàng ngoại nhập này cũng ít dần vì ý thức tiêu dùng thực phẩm nội ngày càng cao. Nhận định từ nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các DN liên kết sản xuất tốt hơn để tạo ra những sản phẩm đồng đều về kích cỡ, giá bán cạnh tranh, chắc chắn sẽ đẩy lùi được 5% - 7% còn lại đối với mặt hàng rau củ quả. 

Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, cần nói thêm là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chỉ mới phát triển được tổng đàn đối với heo thịt và gà chứ chưa xây dựng được mạng lưới phân phối cũng như các sản phẩm chế biến. Gần đây, vài DN FDI có thế mạnh về chăn nuôi đã đưa ra thị trường một số loại xúc xích, nhưng dường rất khó cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của DN trong nước, cho dù họ liên tục tổ chức các chương trình giảm giá và cho dùng thử tại chỗ. Nói như vậy để thấy rằng, sự lên ngôi mạnh mẽ của hàng Việt không chi là tín hiệu đáng mừng mà phải coi đó là thành quả sự hợp lực của cả cộng đồng đến từ DN, người tiêu dùng, nhà kinh doanh phân phối mới làm được. Và để duy trì được vị thế trên sân nhà cũng như tăng lượng hàng xuất khẩu, các DN thực phẩm Việt Nam phải tăng cường phối kết hợp để tạo sức mạnh tổng lực từ khâu cung ứng nguyên liệu đến chế biến, đầu tư chuyên sâu nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng, nâng cấp chất lượng, bao bì, mẫu mã để không ngừng hoàn thiện, từ đó nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Làm được điều này, chắc chắn các DN sản xuất thực phẩm Việt sẽ thành công trong “sân chơi” hội nhập.