Nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng công nghệ cao

|

Là nước sản xuất nông nghiệp nhưng Việt Nam đang phải chịu nhiều ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ảnh hưởng đến sản xuất. Cuộc cách mạng khoa học trong nông nghiệp sẽ mang lại giải pháp đột phá dựa trên nền tảng công nghệ, tạo chuỗi giá trị bền vững, với hệ sinh thái mới cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao.\r\n

Trang trại Nhất Thống sản xuất rau hữu cơ gắn liền với ứng dụng công nghệ cao

Năng suất giảm do ô nhiễm

Theo Liên minh HTX Việt Nam (VCA), nông nghiệp vẫn là một ngành kinh tế chủ lực, chiếm 14,57% tổng sản phẩm quốc nội, tạo việc làm chính ở nông thôn, nhưng cũng là ngành đóng góp 19%-29% phát thải khí nhà kính. Tình trạng thâm dụng đất, nước, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng quá mức phân bón và hóa chất nông nghiệp, giá trị nông sản thấp, dẫn đến chỉ số năng suất tổng hợp của ngành còn yếu kém và thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Một trong những vấn nạn điển hình về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng là đèn sử dụng chong thanh long tại Bình Thuận đã hư hỏng, được nông dân vứt đầy ruộng, sông, khiến thủy ngân trong đèn đã gây ô nhiễm môi trường. Hay một số tỉnh ĐBSCL còn sử dụng phân tươi bón cho cây trồng, gây ô nhiễm xung quanh và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tình trạng nông dân vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật tràn lan ngoài đồng ruộng cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường.


Theo Ngân hàng Thế giới, tác động của BĐKH đến nông nghiệp có thể làm giảm GDP của Việt Nam vào năm 2050. Theo thống kê, nước biển dâng 1cm, năng suất lúa canh tác ở ĐBSCL có nguy cơ giảm 40,5%, giảm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng và 24% ở ĐBSCL. Cùng với đó, nếu mực nước biển dâng cao 1m, dự báo sẽ có hơn 10.000km² diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị ngập. Dự báo của VCA đến năm 2050, sản lượng lúa xuân giảm 716kg/ha, lúa hè giảm 795kg/ha, tương đương giảm 1.475.000 tấn/năm; sản lượng ngô giảm 781,9kg/ha, tương đưong giảm 880.000 tấn/năm. Năng suất một số nhóm sản phẩm khác giảm như: cà phê giảm 6,6%, gạo giảm 6,6%, sắn giảm 3,6%. 

Với 60% HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch VCA thông tin, năm 2018, VCA triển khai hỗ trợ 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ giống, vật tư, máy móc thiết bị... có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, quy trình hiện đại vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ nông dân, hỗ trợ chi phí để sản phẩm thân thiện môi trường. Năm 2019, triển khai 77 mô hình HTX. Mô hình điển hình là trại chăn nuôi bò sữa của HTX chăn nuôi Mộc Bắc, ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường giảm 70% phát thải khí gây mùi hôi thối khó chịu, giảm 50% phát thải khí trong khu vực chuồng nuôi, giảm mật độ ruồi, muỗi trong khu vực chuồng nuôi, tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng, chủ động nguồn phân hữu cơ. Ngoài ra, còn có mô hình “sông trong ao”, sản xuất thanh long theo công nghệ Israel, nhà trồng ứng dụng hệ thống tưới tự động…

Nâng cao ý thức người dân

Ngoài công tác quản lý nhà nước về phòng chống BĐKH, theo TS Phạm Thị Hồng Yến, đại diện VCA, hệ thống cảnh báo về thảm họa thiên nhiên, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường... cũng còn những hạn chế. Mặc dù là nước sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu sản lượng lớn nhưng Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn giống cây trồng, vật nuôi nhập khẩu, canh tác chưa phổ biến. Thêm vào đó, công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu chưa phát triển nên phần lớn nông sản Việt nam được dùng để sử dụng và xuất khẩu dưới dạng tươi, thô, giá trị thấp. Do vậy, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thích ứng với BĐKH, có giải pháp sử dụng hiệu quả các tài nguyên vào mục đích nâng cao chất lượng nông sản, thay vì chạy theo số lượng như trước đây. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và liên kết chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng xu hướng tất yếu của thị trường. Thách thức lớn nhất của các mô hình là phải có tính bền vững.

Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho giá trị kinh tế cao, nông nghiệp phát triển liên kết vùng, thực hiện hoạt động thích ứng với BĐKH như kết hợp sản xuất năng lượng, nông nghiệp thông minh với khí hậu…

Mặt khác, nhà nước cần phát huy tốt hơn vai trò kết nối giữa doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà đầu tư để huy động được nguồn lực tổng hợp trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững, có khả năng thích ứng với BĐKH. Cùng với đó, hoàn thiện các chính sách pháp luật về phòng chống và kiểm soát thiên nhiên, chính sách đất đai của hộ nông dân nhằm tham gia đảm bảo an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước; bảo vệ phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu.

Song, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của BĐKH để người dân hiểu và có những thay đổi tích cực về cách sinh hoạt, phương thức sản xuất, tiêu dùng.