Chủ động kế hoạch cung ứng đầy đủ hàng thiết yếu

|

Sở Công thương TPHCM vừa làm việc với các doanh nghiệp (DN) chủ lực của TP để triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn. \r\n

Rau củ quả, mặt hàng thiết yếu luôn đầy ắp trong các siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Mục đích, yêu cầu của kế hoạch nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, kể cả khi dịch bệnh lan rộng. Chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa; đảm bảo các DN triển khai đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường và được theo dõi, kiểm tra sát sao. 

Để đạt được mục đích, Sở Công thương đưa ra 3 tình huống ứng phó sau:

Tình huống 1, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới Covid-19 trên địa bàn TP, sở bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, DN bình ổn thị trường (BOTT), hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Theo đó, các DN sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30%-40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán BOTT, các hệ thống phân phối. Chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. 

Tình huống 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP, sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để DN trên địa bàn TP dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly. Các DN tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1. Chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50%-100% so với ngày thường.

Tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, sở sẽ tiếp tục thực hiện tình huống 1 và 2, căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh; xem xét trình UBND TP quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh. Các DN BOTT, hệ thống phân phối và DN tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1, tình huống 2. Tiếp tục phát huy tinh thần cộng đồng, chủ động, nghiêm túc phối hợp Sở Công thương các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn. Đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng cho nhu cầu tiêu dùng của TPHCM.

Theo kế hoạch của Sở Công thương, trong cả 3 tình huống nêu trên, thành phố luôn chú trọng phương án bán hàng online, phát huy kênh phân phối thương mại điện tử nhằm đưa hàng hóa hiệu quả đến tay người tiêu dùng. Để triển khai tốt việc bán hàng online, Sở Công thương yêu cầu, ngay tại thời điểm này, các DN, các hệ thống phân phối cần đưa và cập nhật tất cả các sản phẩm, thông tin minh bạch về thành phần chất lượng, giá bán lên trang web của mình; tăng cường bán hàng qua điện thoại cũng như qua nhiều hình thức khác để kéo giảm lượng khách đến siêu thị, tránh tình trạng bị lây nhiễm. Nếu các DN tổ chức tốt việc bán hàng online, ngay sau đợt dịch, các DN sẽ có được một lượng khách hàng trung thành, tạo tiền đề để phát triển thương mại điện tử.