Thị trường sau Tết Canh Tý 2020: Hàng hóa dồi dào, giá tương đối ổn định

|

Thị trường TPHCM đã khởi động trở lại sau những ngày nghỉ tết. Đến mùng 6 Tết, hầu hết các cửa hàng, siêu thị, sạp chợ đều đã mở cửa kinh doanh, đón khách. Hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú với giá bán các mặt hàng thiết yếu sau tết tương đối ổn định. \r\n

Đa dạng các loại rau củ quả về chợ đầu mối Hóc Môn, cung ứng nhu cầu sau tết của người tiêu dùng TPHCM

Cung ứng đa dạng

Tương tự như 4 năm trước, Tết Canh Tý 2020 năm nay, hệ thống tham gia chương trình BOTT như siêu thị Co.opmart, Satra, Vissan… đã đồng loạt mở cửa phục vụ từ mùng 2 Tết. Trong khi đó, Trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte Mart vẫn mở cửa phục vụ vào mùng 1 Tết Âm lịch. Ngoài ra, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi như Shop&go, Ministop, Bs’Mart, Circle K, FamilyMart cũng mở cửa phục vụ liên tục 24/24 giờ, không nghỉ tết và cung ứng đa dạng các mặt hàng thiết yếu.

Anh Trần Văn Dự, ngụ tại đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết việc mở cửa phục vụ 24/24 giờ của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực sự đã mang lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng. “Gia đình tôi kinh doanh cửa nhôm nên rất bận rộn vào dịp cuối năm, tết nhất cũng không có thời gian mua sắm gì nhiều. Nhưng nhờ nhà ở gần cửa hàng tiện lợi nên thiếu cái bật lửa, chai nước suối, gói mì… tôi đều đi bộ ra mua là có ngay”, anh Dự nói. 

Tại 3 chợ đầu mối, từ tối mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết, giới thương nhân đã bắt đầu hoạt động trở lại. Do nhận định sức mua sau tết chưa cao nên nhiều thương nhân chỉ nhập hàng với số lượng ít, chủ yếu là các mặt hàng thịt gia súc, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… Riêng lượng hàng thực phẩm tươi sống về 3 chợ đầu mối, tính đến mùng 7 Tết đã đạt khoảng 70%-80% so với mức bình thường, do nhu cầu chung trên thị trường đang tăng dần trở lại.

Tại các chợ truyền thống, hầu hết đã mở cửa hoạt động trở lại, chủ yếu là các tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ quả, trái cây và thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, hoạt động mua bán diễn ra tại các chợ còn ít, khách đến chợ không đông, sức mua chưa cao, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau củ quả, trái cây chưng cúng và hoa tươi... 

Từ mùng 6 Tết, tất cả các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng trên địa bàn TPHCM đều đã hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Giá được niêm yết và bán theo giá chương trình BOTT. Hàng hóa dồi dào, phong phú; sức mua tăng tốt so cùng kỳ.

Cùng với hoạt động kinh doanh, theo thông tin từ các hiệp hội, năm nay đa số doanh nghiệp (DN) sản xuất bắt đầu khai trương, đi vào hoạt động vào ngày 30-1 và ngày 3-2 (mùng 6 và mùng 10 Tết). Tại các hệ thống siêu thị, nhu cầu đặt mua heo sữa, gà quay để cúng đầu năm của các DN vào những ngày này tăng vọt. 

Để duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều DN lớn có đơn hàng và hợp đồng xuất khẩu đã tổ chức xe đưa đón và đảm bảo chế độ khen thưởng cho công nhân để giữ tiến độ sản xuất. Do đó, dự kiến thời gian tới, khi hoạt động sản xuất trên địa bàn TPHCM trở lại bình thường, sức mua của thị trường sẽ tăng mạnh trở lại sau các ngày nghỉ tết.

Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm đầu năm, các DN trong chương trình BOTT đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động, kể cả các phương án giảm giá, khuyến mãi kích cầu phục vụ người tiêu dùng; phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá.

Đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết nhờ công tác chuẩn bị hàng hóa từ sớm và đánh giá đúng sức mua, áp dụng chính sách giảm giá khoa học và thiết thực, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vừa qua đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Không có tình trạng đứt hàng, tăng giá, thiếu thịt heo hay khách hàng phải chờ tính tiền quá lâu. Siêu thị cũng bố trí nguồn lực để có thể mở cửa bán hàng trở lại sớm nhất nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng tươi - ngon - tiết kiệm của người tiêu dùng cả nước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 Tết vừa qua, các mặt hàng trái cây đang trên đà giảm giá để dần trở về mức giá bình thường. Cụ thể, giá bán xoài cát Hòa Lộc (loại 1) ở mức bình quân 80.000 - 100.000 đồng/kg, thanh long 35.000 - 40.000 đồng/kg, mãng cầu tròn 60.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi hồng da xanh 75.000 - 80.000 đồng/kg; hoa cúc 30.000 - 35.000 đồng/bó 5 cành; hoa huệ 80.000 - 100.000 đồng/chục; cát tường 30.000 - 35.000 đồng/bó; vạn thọ 10.000 đồng/cây… Nhiều tiểu thương cho biết, giá bán các loại trái cây kể trên đã giảm bình quân từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với trước tết. Có thể giá sẽ tiếp tục giảm ngay sau rằm tháng Giêng tới.

Dù mở cửa bán trở lại khá sớm, hàng hóa của các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food vẫn được chăm sóc khá chăm chút, bố trí trưng bày đẹp. Không những mở cửa bán hàng sớm, hệ thống siêu thị này còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và lì xì cho khách hàng trong gần 3 tuần liên tục. 

Cụ thể, từ nay đến ngày 12-2, Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food luân phiên giảm giá trung bình 20%-30% các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân, các loại nước giải khát. Trong 3 ngày thứ ba liên tục (28-1, 4-2 và 11-2), hệ thống tự động tặng điểm thưởng mức cao cho khách mua hàng tại Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, Finelife và HTVCo.op. Các ngày thứ năm, khách mua hàng có sử dụng túi thân thiện môi trường cũng được tặng điểm thưởng. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tết 2020 xu hướng tiêu dùng tiếp tục có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ nhu cầu “ăn tết” sang “vui tết, chơi tết” nên sức mua vào dịp tết không còn tăng đột biến như nhiều năm về trước. Theo đó, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm cũng có sự thay đổi khá rệt, đó là người tiêu dùng chọn lựa kỹ càng hơn trước khi quyết định mua. Các mặt hàng sản xuất có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn chất lượng được ưu tiên mua ngày càng nhiều. Các nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng như rau củ quả, trái cây, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống cũng bán chạy hơn so với hàng thịt gia súc, thực phẩm chế biến… 

Với những lý do trên, doanh thu trong mùa kinh doanh tết đã không còn chiếm tới 30% tổng doanh thu trong năm của nhiều đơn vị, có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “lãng thị” sau tết của giới kinh doanh tại TPHCM không còn phổ biến như trước. Điều này đã thúc đẩy thị trường TPHCM và các DN sản xuất và kinh doanh bước vào “cuộc đua” mới nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm tài chính 2020.