Phát triển hạ tầng thương mại TPHCM đi vào ổn định

|

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND TPHCM, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt khoảng 94.326 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,8%). \r\n

Vissan là doanh nghiệp duy trì ổn định nguồn thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: CAO THĂNG

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 506.733 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%). Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 65%, tăng 8,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,8%, giảm 47,5%; du lịch lữ hành chiếm 0,8%, giảm 66,1%; dịch vụ khác chiếm 28,9%, giảm 12,7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP 5 tháng đầu năm ước đạt 16,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,2%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38,5% so với cùng kỳ; gạo tăng 42,7%; hàng rau quả tăng 49,4%...

Về nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 5 tháng ước đạt 20,26 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 49,3% so với cùng kỳ; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 12,5%; sản phẩm hóa chất tăng 3,7%. 

Đánh giá chung của UBND TP cho thấy, tốc độ phát triển hạ tầng hệ thống bán lẻ đang có xu hướng đi vào ổn định, các hệ thống phân phối tập trung nguồn lực cho công tác dự trữ nguồn hàng hóa lương thực - thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn TP. Sự tăng trưởng đáng chú ý đến từ các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini - nơi cung cấp sản phẩm đa dạng về chủng loại, hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh thông qua việc giao hàng tận nhà.

Các hệ thống phân phối hiện đại tại TP đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi trong quý 2, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng. Cụ thể, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã phối hợp hàng loạt nhãn hàng cùng giảm giá để vừa đẩy sức mua hàng hóa gỡ khó đầu ra cho DN, góp phần chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng ngay sau dịch. Saigon Co.op cũng kết hợp nhiều hoạt động định hướng tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường. 

Trong tháng 6-2020, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op sẽ áp dụng giảm giá đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường, tặng hơn 100.000 phiếu mua hàng cho khách hàng mua sản phẩm của DN xanh, giảm hơn một nửa giá cho hàng loạt sản phẩm nhu yếu vào các ngày cuối tuần, tổ chức lễ hội trái cây giảm giá cho hơn 20 loại trái cây nhiệt đới để thiết thực ủng hộ nông sản Việt. Đồng thời các sản phẩm organic như đường, sữa tươi, sữa chua, nước tinh khiết, yến mạch, dầu ô liu… sẽ được giảm giá trung bình 20% và hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng của Saigon Co.op.

Ngoài ra còn có chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” đặt hàng trái vải tươi và gạo ST Xuân Hồng giao tận nhà, ngay trên ví thanh toán điện tử MoMo với giá ưu đãi. Tổng lượng hàng hóa tham gia kích cầu đợt này tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ước tính khoảng 30.000 tấn.

Bên cạnh việc kích cầu sức mua, các DN đã quan tâm, đầu tư có chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử với 33% số DN đã xây dựng website độc lập, cùng các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ website thương mại điện tử có phiên bản dùng cho thiết bị di động từ 28% (năm 2018) lên 34% (năm 2019); tỷ lệ xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động (apps) đạt 9%.

Phương thức thanh toán được bên bán thực hiện rất linh hoạt và đa dạng như trả tiền khi nhận hàng (COD), chuyển khoản, internet banking, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua. Đặc biệt, việc phát triển các hình thức ứng dụng thanh toán liên kết với ngân hàng, như ví điện tử cũng làm thị trường kinh doanh bán lẻ thêm sôi động.