Tích cực chống hàng giả bằng nhiều giải pháp

|

Công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình hiện nay chưa bao giờ khó khăn đến thế. Thông tin này được chính những cán bộ lực lượng chuyên ngành quản lý thị trường (QLTT), hải quan thừa nhận tại các cuộc họp bàn về đấu tranh đẩy lùi hàng dỏm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… \r\n

Cơ quan chuyên trách kiểm tra container hàng hóa vi phạm trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Hàng nhập lậu, hàng cấm bị… “bỏ quên”

Hàng hóa xách tay bỏ quên tại các sân bay không lạ, nhưng có những lô hàng trị giá vài tỷ đồng (yến sào, hàng xa xỉ phẩm các loại) không người nhận, “bỏ quên” tại sân bay Tân Sơn Nhất thì rất lạ. Vừa qua, Cục Hải quan TPHCM phát hiện một số lô hàng để quên diện này và tìm cách liên lạc với chủ hàng nhưng chưa có người đến nhận. Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến của ngành hải quan, Tổng cục Hải quan nhận định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vận chuyển trái phép hàng qua biên giới… đang diễn biến phức tạp. Trong số này, kênh bán hàng trực tuyến khá “nóng”.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, hải quan cả nước đã phối hợp bắt giữ hơn 30 vụ, thu giữ 3,23kg heroin, 17,9kg cần sa, 3,1kg thuốc phiện, 94,5kg và 90.071 viên ma túy tổng hợp. Số tiền xử phạt vi phạm trên 300 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 18 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 56 vụ.

Theo Cục Hải quan TPHCM, các thủ đoạn thường được sử dụng để qua mặt cơ quan chuyên trách bao gồm khai không đúng thực tế hàng hóa; khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chờ được cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, chứng từ; đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm… để thông quan hàng hóa… Đối với lực lượng QLTT, hàng giả mạo, gian lận xuất xứ vẫn là câu chuyện “đau đầu”. Các điểm nóng chứa trữ hàng hóa gian lận không gói gọn ở các địa chỉ buôn bán nhỏ lẻ, doanh nghiệp vi phạm công khai thuê mặt bằng lớn, các kho của những công ty uy tín làm nơi cất giấu hàng hóa (hàng nhập lậu, vi phạm nhãn hiệu…).

Trong một cuộc họp về cơ hội của ngành thương mại điện tử diễn ra tại TPHCM cách nay ít ngày, nhiều sàn giao dịch trực tuyến hàng đầu Việt Nam thừa nhận rằng, việc kiểm soát hàng hóa kém chất lượng trên các sàn còn khá lỏng lẻo. Khi mà hoạt động thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt, nhu cầu mua bán cực lớn, việc hàng giả bán công khai sẽ là “cú đánh” trực diện vào túi tiền người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất chính hãng. Thử điểm qua một số trang thương mại điện tử lớn, các loại túi da cao cấp của thương hiệu Hermes, Chanel, nước hoa Dior, Chanel, giày Adidas… giá vài trăm ngàn đồng/sản phẩm đều bán công khai.

Theo ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, từ nay đến cuối năm 2020, lực lượng QLTT, hải quan tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Song song đó, công tác phối hợp xử lý, tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng mua hàng hóa có sàng lọc, trách nhiệm cũng được triển khai mạnh hơn.

Xử phạt đi đôi với truyền thông

Có một thực tế hiện nay, nhiều thương hiệu nổi tiếng không muốn công khai sản phẩm bị làm giả vì sợ mất uy tín. Trong khi người tiêu dùng muốn biết sản phẩm tốt đến đâu, thật đến đâu lại hoàn toàn không có nhiều thông tin so sánh, đối chiếu. Chị Hà Thị Thu An (ngụ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) bức xúc: “Tôi được công ty tặng 1 chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp hiệu Casio, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Mức giá này công ty công khai với nhân viên. Mới đây, đồng hồ hết pin nhưng tôi không tìm được nơi bảo hành như địa chỉ trên phiếu công ty cung cấp”.

Sau đó, chị Thu An phải thay pin tại một tiệm sửa đồng hồ lề đường. Câu chuyện này không cá biệt, khi một số khách mua hàng giày dép các thương hiệu nổi tiếng khác, nhưng trót mua trôi nổi trên mạng hoặc xách tay từ nước ngoài, nếu xảy ra hư hỏng đều không được bảo hành. Chính đại diện của thương hiệu Casio trong một lần trao đổi với báo chí đã thừa nhận rằng, sản phẩm này bị làm nhái, giả khá nhiều, nhất là đối với dòng máy tính Casio dành cho học sinh.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, đại diện thương hiệu thời trang Nón Sơn, cho rằng, doanh nghiệp cần phải nhìn thẳng vấn đề và can đảm đứng dậy để bảo vệ chính mình cũng như người tiêu dùng.

Còn ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, đánh giá, thương mại điện tử đã góp phần đưa hàng hóa đến tận tay khách hàng một cách nhanh chóng, nhưng cũng phát tán hàng dỏm thuận tiện hơn so với trước đây. Về phía khách hàng, có thể dùng quyền của mình tẩy chay hàng kém chất lượng, hàng dỏm. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động bảo vệ thương hiệu và khách hàng bằng những sản phẩm có dấu hiệu nhận diện mạnh, công nghệ chống giả tốt.