Dự báo năm 2025 thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 330.000 lao động

|

Dự báo năm 2025 thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 330.000 lao động

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của Thành phố trong năm 2025 cần từ 310.000 - 330.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, với tỷ lệ lần lượt chiếm 67,7% và 31,8%.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, quý I/2025 cần khoảng 79.000 - 84.000 chỗ làm việc, quý II là 77.000 - 82.000, quý III khoảng 75.500 - 80.500 và quý IV cần khoảng 78.500 - 83.500 chỗ làm việc.

 
Ảnh minh họa

Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,7% tổng nhu cầu); khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 31,8%), thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,5%.

Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí;  điện tử - công nghệ thông tin;  hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm) chiếm 18,6%. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các lĩnh vực như: Cơ khí, hóa dược, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng điện tử…

 

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,91% và nhu cầu nhân lực tập trung ở các lĩnh vực như: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cùng các dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…

Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,11%. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, kế đến là trung cấp chiếm 20,14%, đại học trở lên chiếm 18,76%; cao đẳng 14,6%. Nhu cầu lao động phổ thông chiếm 11,89%.

Thực tế trong thời đại số hiện nay, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng công nghệ đang tăng mạnh. Theo một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2025, khoảng 85 triệu công việc mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu nhờ sự phát triển của công nghệ số và tự động hóa.

Một báo cáo của LinkedIn cũng cho thấy, 60% các công ty hiện nay đang tìm kiếm nhân sự có kỹ năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng. Điều này cho thấy nhu cầu về nhân lực công nghệ cao không chỉ tăng trưởng mạnh mà còn đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh chóng trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Trên cơ sở phân tích thị trường lao động cùng những đề xuất của doanh nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh khuyến nghị các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ trong việc kết nối việc làm, phát triển nền tảng trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp nhanh chóng.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng lan rộng, thị trường lao động cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn về hình thức làm việc, nhu cầu tuyển dụng và các yêu cầu kỹ năng, người lao động cần tự giác nâng cao kỹ năng và chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường lao động.

Đồng thời, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh khuyến nghị cần tăng cường vai trò tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sự kiện ngày hội việc làm, hội thảo định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ cho các nhóm lao động dễ tổn thương, hỗ trợ người thất nghiệp, hỗ trợ thanh niên và lao động trẻ.

Đối với doanh nghiệp, cần thúc đẩy công tác đào tạo nội bộ, đào tạo tại chỗ, hợp tác đào tạo để nâng cao kỹ năng chuyên môn của người lao động; bám sát yêu cầu công việc tại doanh nghiệp và nâng cao chất lượng, năng suất lao động trong doanh nghiệp./.

 
PV