Dịch tả lợn châu Phi: Biện pháp ứng phó của một số quốc gia trên thế giới

|

Dịch tả lợn châu Phi: Biện pháp ứng phó của một số quốc gia trên thế giới

Dịch tả lợn châu Phi lây lan khắp thế giới
 
Tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu ở Kenya vào năm 1921 và nhanh chóng lan sang các quốc gia châu Phi khác. Năm 1957, dịch tấn công Bồ Đào Nha. Đây là lần đầu tiên tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến châu lục khác song đã được kiểm soát ngay lập tức.
 
Ba năm sau, dịch tả lợn châu Phi lại trỗi dậy ở Bồ Đào Nha với quy mô lớn. Từ đây, bệnh lan sang Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Malta, Bỉ, Hà Lan rồi vượt đại dương đến Trung và Nam Mỹ (Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Brazil).
 
Năm 2007, dịch tả lợn châu Phi vào Georgia qua cảng và lan sang các nước láng giềng như Armenia và Azerbaijan. Cuối năm đó, dịch xâm nhập Nga qua những con lợn rừng mắc bệnh ở biên giới với Georgia. Ban đầu, dịch chỉ ảnh hưởng đến quần thể lợn rừng phía nam nước này, sau đó lây sang lợn nuôi. Từ năm 2009 đến 2011, Nga đã trải hai đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
 
Tháng 7/2012, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nhận báo cáo của Ukraine về lần đầu tiên dịch xuất hiện trên lợn nuôi. Tháng 6/2013, đến lượt Belarus bị ảnh hưởng. Từ năm 2014 đến 2015, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện ở các nước châu Âu nhưng chủ yếu ảnh hưởng tới lợn rừng. Năm 2017, dịch lan sang hai nước mới là Czech và Romania.
 
Theo thống kê của OIE, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện cách đây khoảng 100 năm và đến nay, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ từng xuất hiện dịch bệnh. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng khi có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với hơn 6.500 ổ dịch; số lợn phải tiêu hủy trên toàn thế giới lên đến trên 1,1 triệu con. Trong đó, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Thịt lợn là thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều tại các nước châu Á nên các chuyên gia cho rằng, virus tả lợn chắc chắn sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực.
 
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết dịch tả lợn hiện không có vaccine và không thể chữa. Virus dịch tả lợn châu Phi có thể ẩn mình vài tháng trong thịt heo đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt heo đông lạnh. Các chuyên gia an toàn sinh học nhận định trong vòng một năm tới, có khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ lan tới Mỹ, đe dọa gây thiệt hại 22 tỷ USD/năm.
 
Biện pháp ứng phó của các nước trên thế giới
 
Trung Quốc
 
Dịch tả lợn châu Phi lần đầu được phát hiện tại Thẩm Dương, Trung Quốc vào đầu tháng 8/2018 với 47 con lợn bị nhiễm bệnh và chết. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã báo cáo phát hiện dịch tại 30 tỉnh, thành phố với 122 ổ dịch, trong đó có 119 ổ dịch lợn nhà, 3 ổ dịch lợn rừng; số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến hơn 950.000 con. Đây là thách thức ở một quốc gia sở hữu gần một nửa số lợn trên thế giới.
 
Khác với các nước châu Âu chủ yếu chăn nuôi trên quy mô công nghiệp, hệ thống chăn nuôi lợn hiện tại của Trung Quốc bao gồm nhiều loại hình, từ những doanh nghiệp hiện đại, quy mô lớn đến hàng loạt các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đóng góp hơn 27% sản lượng quốc gia. Vì vậy, khi có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Trung Quốc đã quyết liệt triển khai nghiêm ngặt các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo vệ là 10km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to, nhỏ). Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23 nghìn địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh; tăng cường các quy định giết mổ để kiểm soát dịch bằng cách buộc các cơ sở giết mổ phải xét nghiệm vi rút tả lợn châu Phi (ASF) cho sản phẩm lợn trước khi bán ra thị trường, thực hiện giết mổ lợn có nguồn gốc khác nhau ở những khu vực mổ riêng rẽ. Nếu một ổ dịch ASF được phát hiện, các lò mổ phải tiêu hủy tất cả lợn, đồng thời đình chỉ hoạt động trong ít nhất 48 giờ.
 
Hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi lợn lớn tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để nhận diện sớm dịch. Truyền thông địa phương cho biết, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Alibaba và JD.com còn dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để giám sát sức khỏe của lợn nuôi, phát hiện những triệu chứng bệnh và thay đổi trong hành vi của con vật. Công ty Yingzi Technology ở Trung Quốc đang tiên phong trong công nghệ nhận diện khuôn mặt lợn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi là cuộc “cách mạng hóa” trong ngành công nghiệp thịt lợn. Đây là một chiến lược mà ngành công nghiệp thịt lợn của Australia cũng quan tâm, bởi vì công nghệ này có khả năng nhận ra lợn bị bệnh từ lâu trước khi một người nông dân nhận thấy.
 
Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc cho biết, hiện tình hình dịch đã được kiểm soát hiệu quả với xu hướng chậm lại, có 108 vùng dịch và 21 tỉnh, thành phố đã dỡ bỏ cách ly, phong tỏa dịch tả lợn châu Phi. Từ tháng 12/2018 đến nay, số lượng vùng dịch mới xuất hiện thấp hơn nhiều so với số vùng dịch được dỡ bỏ phong tỏa; ba tháng đầu năm 2019, số ổ dịch xuất hiện bình quân mỗi tháng thấp hơn 10 vùng; tình hình chăn nuôi lợn và cung ứng thịt lợn ở Trung Quốc đã cơ bản ổn định.
 
Về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi thời gian tới, Trung Quốc sẽ kiên trì thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp, tiến hành phòng chống theo vùng miền, địa bàn; tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, cũng như tăng cường nghiên cứu các công nghệ liên quan đến vaccine phòng dịch.
 
Ba Lan
 
Ba Lan, quốc gia thành viên sản xuất lợn lớn thứ tư trong EU, đại diện cho biên giới xa nhất phía Tây của khu vực ghi nhận dịch tả lợn châu Phi. Trong năm 2016, Ba Lan có trên 9,5 nghìn lợn nái, sinh sản khoảng 11,3 triệu con lợn tại 172,2 nghìn trang trại. Các trang trại có quy mô hơn 200 con chiếm 61,5% sản lượng lợn ở Ba Lan.
 
Theo báo cáo của các nhà sản xuất lợn ở Ba Lan, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 107 trang trại lợn và trên 900 con lợn rừng. Hầu hết các đàn lợn dương tính với dịch bệnh đều từ các trang trại có ít hơn 20 con; chỉ duy nhất một trang trại hơn 1.000 con hoạt động theo quy trình từ nuôi đến giết mổ bị nhiễm bệnh. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, chính quyền và nhà sản xuất Ba Lan đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát; bao gồm xét nghiệm tất cả các con lợn bổ sung, kiểm dịch và thực hiện khoanh vùng kiểm soát; tăng cường làm sạch, khử trùng và làm rào chắn. Lợn ở các trang trại nhiễm bệnh bị tiêu huỷ và bồi thường cho chủ sở hữu.
 
Do lợn rừng là một trong những nguồn lây nhiễm ASF nên các bác sĩ thú y cũng được coi là một nhân tố rủi ro làm lan truyền bệnh, đặc biệt khi họ tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh hoặc lợn rừng. Ba Lan khuyến khích thợ săn và nhân viên lâm nghiệp thông báo khi có lợn rừng chết bằng các khoản tiền thưởng. Nhà chức trách Ba Lan cho rằng khả năng chính gây ra sự lan truyền ASF rộng hồi năm 2016 và đầu năm 2017 là do các hoạt động vận chuyển động vật trái phép. Việc không tuân thủ các quy tắc an toàn sinh học cũng được xác định là một nguyên nhân lây lan, bao gồm cả việc sử dụng giường rơm cho động vật, thức ăn cỏ bị ô nhiễm hoặc cho lợn ăn thức ăn thừa. Khoảng 30% nông dân Ba Lan đã chấp nhận bồi thường và đồng ý ngừng nuôi lợn trong ít nhất ba năm.
 
Đức
 
Chưa có trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi nào được phát hiện ở Đức mặc dù quốc gia này giống như Ba Lan, có số lợn rừng lớn. Theo số liệu thống kê, các thợ săn ở Đức đã giết khoảng 600 nghìn con lợn rừng trong năm 2016. Ngành chăn nuôi lợn của Đức có 1,9 triệu con lợn nái, 48,8 triệu con lợn thịt giết mổ hàng năm và có khoảng 8.000 trang trại lợn nái. Đây là một trong những quốc gia chăn nuôi, cung cấp thịt chính ở châu Âu.
 
Đức có chính sách bảo hiểm để chi trả bồi thường cho nông dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh được lấy từ chính phủ và các khoản nộp bắt buộc của nông dân chăn nuôi. Nông dân có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi trong khu vực kiểm soát có thể nhận được tiền bảo hiểm tương đương 50% giá trị thị trường, các quỹ công lập sẽ chịu trách nhiệm trả 50% còn lại.
 
Đan Mạch
 
Đan Mạch cũng là một quốc gia cung cấp thịt lợn chính ở châu Âu. Tại đây, có 8,7 nghìn trang trại nuôi lợn với hơn 13,4 triệu con lợn giết mổ. Nông dân Đan Mạch sản xuất 2 triệu tấn thịt lợn hàng năm, trong đó 95% được xuất khẩu. Quốc gia này có 12 nhà máy giết mổ trong nước, trong đó có 10 nhà máy được sở hữu và vận hành bởi tập đoàn Danish Crown. Đến nay, Đan Mạch cũng chưa phát hiện trường hợp dương tính với ASF.
 
Do số lượng lợn rừng ở đây tương đối thấp (ước tính dưới 100 con) nên mối đe dọa lớn nhất đối với việc dịch ASF xâm nhập là thông qua tuyến giao thông vận tải và người di cư. Các nhà sản xuất thịt lợn Đan Mạch đã áp dụng các lệnh hạn chế vận chuyển nghiêm ngặt và những quy trình làm sạch, khử trùng tuyệt đối. Mặc dù việc tuân thủ những nguyên tắc trên là tự nguyện nhưng báo cáo trên toàn hệ thống chăn nuôi cho biết đã có 99% các nhà sản xuất tuân thủ. Nước này cũng đã dựng hàng rào trị giá hơn 4 triệu Euro dọc theo biên giới Đức nhằm ngăn lợn hoang vào gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nội địa.
 
Đan Mạch có những trạm rửa xe tải ở biên giới, hàng năm rửa khoảng 26,8 nghìn lượt xe với chi phí 2,1 triệu Euro mỗi năm. Mỗi xe tải được theo dõi bằng GPS để xác minh chính xác những khu nghi là có dịch mà xe đã đi qua. Những xe tải này phải được làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng trước khi rời Ba Lan và đi qua Đức để trở về một trang trại lợn của Đan Mạch. Khi đến biên giới Đan Mạch, chiếc xe tải lại phải được kiểm tra và khử trùng một lần nữa và được cấp một chứng chỉ mã màu cho biết các khu vực rủi ro mà xe tải đã ghé qua và xác định thời gian xe tải bị cách ly trước khi trở về những trang trại. Những dữ liệu này được đưa vào cơ sở dữ liệu website cho tất cả các bên liên quan truy cập.
 
Một số quốc gia khác
 
Các quốc gia chưa bị lây nhiễm dịch dịch tả lợn châu Phi như: Mỹ, Canada, Mexico hay Australia đều đề cao việc ngăn chặn virus lan truyền vào quốc gia mình qua tất cả các đường hàng hóa, thương mại, hàng không, du lịch… bằng cách kiểm tra ngay tại biên giới và ban hành lệnh cấm nhập khẩu tạm thời các sản phẩm thịt từ những vùng đã mắc bệnh. Các nước cũng tập trung tuân thủ nghiêm ngặt các thực hành an toàn sinh học trong toàn hệ thống sản xuất và truy cập dữ liệu liên quan giữa các cơ sở sản xuất, bác sĩ thú y, chính quyền và các đội phản ứng nhanh.
 
Dịch tả lợn châu Phi với đặc tính lây lan nhanh chóng và giết chết lợn rất nhanh, vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhất trí rằng, phát hiện nhanh dịch bệnh là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh lây lan và hạn chế phạm vi ổ dịch. Mặc dù bất kỳ phát hiện nào về dịch bệnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc mua bán lợn, cũng như có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của toàn ngành chăn nuôi lợn của quốc gia đó. Tuy nhiên, bệnh càng sớm được kiểm soát thì quốc gia đó càng sớm có thể trở lại đàm phán kinh doanh, thương mại như bình thường./.

 
Thu Hường