Theo ước tính sơ bộ được Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố, nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2024 trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng mạnh.
Tăng trưởng quý II gấp đôi quý I
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ trong quý II/2024 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, gấp đôi tốc độ tăng trưởng 1,4% trong quý I. Ước tính tăng trưởng quý II của Bộ Thương mại Mỹ cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2,0% của các nhà kinh tế với Reuters.
Tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024 của Mỹ ước đạt trung bình 2,1%, bằng một nửa tốc độ tăng 4,2% trong cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng 1,8% mà các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng không lạm phát.
Tăng trưởng quý II gấp đôi quý I
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ trong quý II/2024 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, gấp đôi tốc độ tăng trưởng 1,4% trong quý I. Ước tính tăng trưởng quý II của Bộ Thương mại Mỹ cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2,0% của các nhà kinh tế với Reuters.
Tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024 của Mỹ ước đạt trung bình 2,1%, bằng một nửa tốc độ tăng 4,2% trong cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng 1,8% mà các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng không lạm phát.
Ảnh minh họa
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, chiếm hơn 2/3 sản lượng kinh tế, đã tăng khoảng 2,3% trong quý II, sau khi tăng chậm lại ở mức 1,5% trong quý I. Sức chi tiêu quý II được thúc đẩy bởi người dân Mỹ đã tăng chi tiêu cho các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, nhà ở và tiện ích cũng như các hoạt động tham gia thành viên câu lạc bộ, các trung tâm thể thao, công viên, nhà hát và bảo tàng, và trò chơi sòng bạc.
Người Mỹ cũng tăng chi tiêu cho mặt hàng khác, bao gồm xe tải nhẹ mới, hàng hóa và phương tiện giải trí, đồ đạc nội thất và thiết bị gia dụng lâu bền cũng như các sản phẩm năng lượng.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ qua các quý. Nguồn: Reuters
Thực chất, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ được hỗ trợ một phần bởi mức tăng lương. Một báo cáo riêng từ Bộ Lao động cho thấy, thị trường lao động nước này đang dần ổn định, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu giảm 10.000 xuống còn 235.000 sau điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 20/7.
Đầu tư kinh doanh tăng lên khi chi tiêu cho thiết bị, chủ yếu là máy bay, tăng vọt 11,6% trong quý II sau mức tăng khiêm tốn 1,6% trong quý I. Quý II cũng chứng kiến chi tiêu cho các sản phẩm sở hữu trí tuệ ở Mỹ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ chậm lại so với sức tăng mạnh mẽ trong quý I.
Tăng trưởng quý II cũng được thúc đẩy từ việc củng cố tồn kho cũng như tăng chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường nhà ở đã giảm sút và là một lực cản nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại tiếp tục mở rộng trong quý II, kéo giảm đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng tích lũy thêm hàng tồn kho trong quý II, với mức tăng 71,3 tỷ USD sau khi mức tăng 28,6 tỷ USD trong quý trước đó.
Hàng tồn kho Mỹ đã tăng đóng góp thêm 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý II sau khi là lực cản trong hai quý liên tiếp trước đó. Điều này đã bù đắp hơn 0,72 điểm phần trăm bị ảnh hưởng từ thâm hụt thương mại rộng hơn.
Như vậy, báo cáo sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy đã xua tan lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ kết thúc đột ngột, vốn đã được thúc đẩy bởi hiệu suất kém trong quý I và tháng 4.
Tạp chí Forbes cho biết, mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến đã giúp xoa dịu những lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây và củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đạt được kịch bản hạ cánh mềm, vừa đưa lạm phát lùi về mức mục tiêu nhưng cũng đảm bảo không dẫn tới suy thoái.
Theo ước tính tăng trưởng quý II, nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt hơn các đối tác toàn cầu của mình, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong hai năm 2022 và 2023 để ứng phó lạm phát.
Bình luận về GDP quý II của Mỹ, ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty phân tích tài chính FWDBONDS nhận định: "Tăng trưởng kinh tế vững chắc, không quá nóng và không quá lạnh. Lạm phát có vẻ đang diễn ra theo chiều hướng của Fed và việc nới lỏng hạn chế tiền tệ với việc cắt giảm lãi suất có khả năng diễn ra vào tháng 9".
Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường Mỹ của Công ty Fitch Ratings - cho rằng: "Dữ liệu này thật sự rất tích cực, cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang thực sự rất mạnh, kinh doanh tăng trưởng. Chúng ta đã chứng kiến có một sự tăng tốc ngay trong quý II. 6 tháng đầu năm về cơ bản đang đi theo đúng hướng mà FED muốn thấy. Số liệu mới cũng xác nhận một điều rằng, lạm phát nhìn chung vẫn đang hạ nhiệt. FED sẽ tiếp tục mong muốn số liệu này hướng đến mức mục tiêu 2%. Đây gần như là kịch bản hoàn hảo cho kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng".
Bước sang quý III, triển vọng kinh tế Mỹ cũng được đánh giá là vẫn khá vững chắc. Các dữ liệu mới được S&P Global công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng lên 55 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Trong đó, ngành dịch vụ mở rộng mạnh mẽ, bù đắp cho sự suy giảm của ngành sản xuất. Các chuyên gia kỳ vọng, tình hình sẽ còn được cải thiện hơn nếu có thêm những cú hích mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế Satyam Panday cho biết: "Ngành dịch vụ đang hoạt động khá tốt, trong khi ngành sản xuất lại đang gặp một số áp lực. Trong nửa đầu năm, chúng tôi cho rằng, ngành sản xuất đã bắt đầu chạm đáy và dần phục hồi trở lại nhưng có vẻ như vẫn cần thêm một số lực kéo. Và việc cắt giảm lãi suất có thể giúp ích hơn bất kỳ động lực nào khác".
Nhu cầu nội địa mạnh mẽ
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, ngay cả khi không tính đến hàng tồn kho, thương mại và chi tiêu của chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý II vẫn vững chắc nhờ nhu cầu trong nước tăng tới 2,6%. Doanh số bán hàng cuối cùng cho người mua ở khu vực tư nhân Mỹ tăng trưởng tương đương với kết quả quý I.
Tăng trưởng GDP quý II là tín hiệu tốt về sự gia tăng năng suất, điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng chi phí lao động và sau đó là giảm áp lực giá cả. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 2,9% trong quý II sau khi tăng vọt ở mức 3,7% trong quý I.
Chỉ số PCE lõi là một trong những thước đo lạm phát mà Fed dùng để đối chiếu với mục tiêu 2%. Mặc dù mức tăng của chỉ số PCE lõi cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà kinh tế về mức tăng 2,7%, nhưng xu hướng này đang chậm lại. Lạm phát lõi của Mỹ đã tăng 2,7% so với một năm trước, đây là tin đáng mừng cho các quan chức Fed trước thềm cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần tới.
Lãi suất cho vay qua đêm của Fed hiện ở mức 5,25 - 5,50%, mức cao nhất trong khoảng 23 năm qua và là kết quả của 11 đợt tăng liên tiếp sau khi lạm phát đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Sau thông tin sơ bộ về tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II, thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng 9.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc, triển vọng cho nửa cuối năm vẫn còn mơ hồ. Thị trường lao động đang chững lại, điều này sẽ tác động đến tăng trưởng tiền lương.
Dù tiền lương tăng, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Mỹ sau khi điều chỉnh theo lạm phát và thuế vẫn tăng chậm hơn, với tốc độ tăng 1,0% trong quý II so với mức tăng 1,3% trong quý trước đó.
Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ chuyển hướng sang tiết kiệm ít hơn để dành cho chi tiêu trong quý II. Tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống còn 3,5% trong quý II, từ mức 3,8% trong quý trước, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19./.
PV