Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

|

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

Với hàng loạt biến động địa chính trị - kinh tế, cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng dễ bị tổn thương. Điều này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng đa đạng hóa, an toàn và bền vững hơn.

Những rủi ro ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ những rủi ro, khi nguồn cung các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc.

Sau đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi cung ứng mới làm nền tảng cho mạng lưới logistics. Tất cả những điều này tác động đến chuỗi cung ứng từ chip bán dẫn đến hàng tiêu dùng, buộc các công ty trên thế giới phải hành động để ứng phó với môi trường sản xuất và vận tải đang thay đổi nhanh chóng.

 
Ảnh minh họa

Tiếp đến, xung đột ở Ukraine và Trung Đông đe dọa dòng chảy lương thực, dầu mỏ và hàng tiêu dùng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và tình trạng di cư ồ ạt cũng góp phần làm gián đoạn các tuyến vận tải thương mại từ kênh đào Panama đến biên giới Mỹ-Mexico; căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng làm phức tạp thêm chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt, lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu container ở Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do tắc nghẽn tại các kênh đào Panama và Suez. Đây là hai trong số các hành lang thương mại quan trọng của thế giới, khiến một số quốc gia và doanh nghiệp phải điều chỉnh lộ trình thương mại đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ.

Năm 2024, xung đột Nga-Ukraine vẫn là tâm điểm, với những tác động sâu rộng đến an ninh khu vực và kinh tế toàn cầu. Tại Trung Đông, cuộc xung đột Hamas-Israel ở Dải Gaza tiếp tục leo thang, đe dọa sự ổn định của toàn khu vực. Đồng thời, tình hình ở Syria và Yemen vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Những căng thẳng này gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa và làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

Cùng với những căng thẳng địa chính trị, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lan rộng ra những lĩnh vực mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, không gian vũ trụ. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ của một cuộc “Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ-Trung, với những hệ lụy tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phát triển của các công nghệ then chốt.

Đầu năm 2024, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy tắc mới nhằm hạn chế xuất khẩu chip và công cụ sản xuất chip AI sang Trung Quốc. Trong khi đó, việc Trung Quốc nắm trong tay các nguồn nguyên liệu thô quan trọng của ngành bán dẫn là lý do vì sao Mỹ đã tìm cách đảm bảo nguồn cung các khoáng sản thiết yếu với những quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng diễn ra mạnh mẽ

Trong bối cảnh đó, quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, trở thành vấn đề được thảo luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong nửa đầu năm 2024.

Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng kéo theo dịch chuyển đầu tư diễn ra theo hướng di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về nước hoặc sang các nước khác trong khu vực, về gần hơn với thị trường tiêu thụ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp nước mình đầu tư về trong nước. Đáng chú ý, Mỹ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước, như: Miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp như năng lượng, ô tô, nhôm, thép.

Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược”, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, như: Đức, Italy quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài trong các ngành chiến lược; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số…

Tại châu Á, Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp nước này đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước và di chuyển sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung trong một số ngành ưu tiên (thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, điện tử, kim loại hiếm…). Hàn Quốc ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh ở trong nước …

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển sản xuất đến các nước cùng quan điểm chiến lược, an ninh quốc gia (friendshoring) để giảm thiểu rủi ro địa chính trị và bảo đảm tính linh hoạt của chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, một số tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mexico và các nước Đông Âu, trong khi nhiều tập đoàn Nhật Bản đang tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, một số chuỗi cung ứng được cơ cấu, sắp xếp lại thông qua mở rộng mạng lưới nhà cung cấp để phân tán rủi ro, như đặt hàng mua linh kiện, nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp ở các nước khác nhau, mà không nhất thiết kéo theo dịch chuyển vốn đầu tư và sản xuất.

Trong quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng, các cấu phần/công đoạn gắn với công nghệ cao thường được dịch chuyển về nước, trong khi các công đoạn gia công, lắp ráp thường được dịch chuyển ra nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển là dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện ô tô, hàng hóa, trang thiết bị y tế và dược phẩm thiết yếu, năng lượng, tài chính, bất động sản.

Còn nhiều thách thức phía trước

Tại Đối thoại Shangri-La 2024, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ quan ngại về nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất và áp lực lạm phát trong thời gian ngắn hạn. Việc di chuyển sản xuất cũng có thể khiến thị trường lao động bị xáo trộn đáng kể, đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ và đào tạo lại lực lượng lao động.

Ngoài ra, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng cũng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về nguy cơ phân mảnh kinh tế toàn cầu. Tại Hội nghị An ninh Munich 2024, một số nhà lãnh đạo cảnh báo việc quá chú trọng vào dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể dẫn đến sự hình thành các khối kinh tế riêng biệt, làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu và tăng nguy cơ xung đột.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa giảm bớt, xu hướng khu vực hóa đang trở nên phổ biến do các yếu tố địa chính trị chia cắt thế giới thành những khối thương mại dọc theo hành lang Tây-Đông và Bắc-Nam. Kỷ nguyên đa phương mới này sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều khối và hành lang thương mại khắp châu Á lẫn Bắc Mỹ.

Trong vài năm tới, xu hướng "friendshoring" sẽ gia tăng, khi các chuỗi cung ứng sản xuất tập trung tại các quốc gia đồng minh. Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Lục địa châu Phi AfCFTA) sẽ càng củng cố cho những hành lang thương mại liên khu vực.

Các thị trường mới nổi có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và theo đuổi chiến lược không liên kết sẽ được hưởng lợi khi thương mại gia tăng trong bối cảnh đa cực. Những thị trường mới nổi như Mexico, Việt Nam và Ấn Độ đang củng cố vị thế như những nguồn lực sản xuất bổ sung, đặc biệt là trong sản xuất hàng hóa. Các quốc gia này đang chứng kiến nhiều công ty chuyển phân khúc chuỗi cung ứng sang thị trường của mình.

Hệ quả của xu hướng khu vực hóa là các tập đoàn sẽ coi trọng sự ổn định hơn là việc tiết kiệm chi phí và hiệu suất của chuỗi cung ứng. Họ sẽ giảm bớt rủi ro cho mạng lưới logistics bằng cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu. Có thể lộ trình vận chuyển sẽ dài thêm và chi phí tăng lên, nhưng điều đó đảm bảo sự tin cậy và an toàn.

Trong bối cảnh đó, những diễn biến leo thang tiềm ẩn trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo theo sự sụt giảm trong thương mại toàn cầu trong ngắn hạn và nhiều thị trường mới nổi sẽ nỗ lực lấp đầy khoảng trống này. Các quốc gia đứng ngoài căng thẳng này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng.

Để ứng phó với những thách thức này, nhiều nhà lãnh đạo kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt. Và chuỗi cung ứng toàn cầu đang được điều chỉnh theo hướng "về gần, tự động hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và phát triển bền vững" trong kỷ nguyên mới của thương mại toàn cầu./.
Trúc Linh