Những kết quả đáng ghi nhận về công tác Giáo dục nghề nghiệp và Giải quyết việc làm ở Điện Biên

|

Những kết quả đáng ghi nhận về công tác Giáo dục nghề nghiệp và Giải quyết việc làm ở Điện Biên

Những năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; các chỉ tiêu về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hàng năm, 05 năm được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm; rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề; kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực dạy nghề. Theo đó, số lao động được đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh hằng năm đều tăng, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.


Thừa ủy quyền, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
cho tập thể Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh

Qua hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô nguồn nhân lực, cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn, thể chất nguồn nhân lực được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Hệ thống giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển; chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên rõ rệt.


Một giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Điện Biên

Theo đó, công tác giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương thức giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ các bậc học phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, tạo được bước đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Trung bình mỗi năm tỉnh Điện Biên đào tạo nghề cho khoảng 8.000 lao động, giai đoạn 2016-2020 tổng số lao động được học nghề là 39.985/39.000 người, vượt chỉ tiêu 2,5% kế hoạch; trong đó, có 26.847 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Số lao động học nghề chia theo cấp trình độ đào tạo: Cao đẳng nghề là 617 người, trung cấp là 1.378 người, sơ cấp và dưới 03 tháng là 37.863 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 43,77% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 24,37%), đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 57% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 28,5%).


Lớp học Điện công nghiệp của HSSV Trường Cao đẳng nghề Điện Biên. Ảnh: Anh Tuấn

Về quy mô và mạng lưới cơ sở GDNN: Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 03 trường cao đẳng, 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện). Quy mô đào tạo của hệ thống cơ sở GDNN trên 10 nghìn người/năm ở cả 3 cấp trình độ đào tạo. 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng chân trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề đang đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng: Nghề công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Lâm sinh; Kỹ thuật xây dựng; Kế toán doanh nghiệp; 12 nghề trình độ trung cấp: Nghề công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Lâm sinh; Kỹ thuật xây dựng; Kế toán doanh nghiệp; Điện dân dụng; Hàn; Tin học văn phòng; Chế biến mủ cao su; Quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 110KV trở xuống và hàng chục nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên.


 Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Điện Biên. Ảnh: Anh Tuấn

Cùng với đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật: Hiện tại nhà trường tổ chức đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng; 12 nghề trình độ trung cấp; 9 nghề trình độ sơ cấp; đào tạo thường xuyên 20 nghề. Đặc biệt, Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên có năng lực tuyển sinh trung bình 350 HSSV/năm; đào tạo điều dưỡng cao đẳng chính quy; điều dưỡng cao đẳng liên thông; điều dưỡng trung cấp; Y sĩ; Dược trung cấp chính quy; Dược trung cấp liên thông; đối với lưu học sinh Lào, Trường Cao đẳng Y tế tiếp nhận đào tạo trên cơ sở được UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, các Trung tâm GDNN-GDTX tuyến huyện: Đã xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng theo quy định. Chương trình, giáo trình đào tạo của các trung tâm bảo đảm tính thiết thực, thời lượng thực hành đảm bảo giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề học, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng năng suất lao động.


Các Đại biểu thăm quan các gian hàng tại Ngày hội việc làm tỉnh Điện Biên lần thứ III, năm 2019

Về chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm: Đối với các trường cao đẳng, do có bề dày kinh nghiệm và được đầu tư từ các Dự án dạy nghề (Dự án “Đầu tư nghề trọng điểm” giai đoạn 2010-2015; Dự án “Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp” giai đoạn 2016-2020) nên các trường có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình. Nhờ đó, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, kỹ năng nghề của người học đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, một số trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua việc thay đổi phương thức quản lý đào tạo; xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án điện tử nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo. Quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.


TTDVVL tỉnh Điện Biên đã tổ chức được nhiều buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn

Mặt khác, các nhà trường đã phát huy tính hiệu quả của mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả các ngành nghề. Tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng trong quá trình đào tạo, đảm bảo đầu ra qua sự cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp sau đào tạo. Trong thời gian đào tạo, học sinh, sinh viên được thực hành trên các mô hình thực tế, đảm bảo khi ra trường có tay nghề phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Qua đó, sẽ là nguồn lao động trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả các cơ sở kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.


Đoàn viên thanh niên tỉnh Điện Biên tham gia tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm Online
kết nối 5 tỉnh phía Bắc 
do Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp với TTDVVL tỉnh tổ chức vào 19/4/2021

Đối với các trung tâm GDNN-GDTX tuyến huyện: Với nhiệm vụ chính là tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn với các ngành nghề chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Người học sau khi tham gia các khóa học nghề đã có thể ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để tạo việc làm mới hoặc duy trì việc làm có từ trước với năng suất, thu nhập cao hơn, góp phần cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, hoạt động đào tạo nghề còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội, kỹ năng sống của lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp; góp phần tích cực để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên.


Đoàn viên thanh niên tỉnh Điện Biên tham gia phỏng vấn trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm Online
kết nối 5 tỉnh phía Bắc gồm 
(Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ)
 

Song song với công tác giáo dục nghề nghiệp, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động cũng được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; Làm tốt vai trò cầu nối “người tìm việc, việc tìm người”. Theo đó, hoạt động kết nối việc làm Online, cung cầu lao động giữa doanh nghiệp, trường nghề với NLĐ tại Điên Biên và một số tỉnh có các khu công nghiệp lớn như: Hà nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,… được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người lao động được tư vấn trực tiếp, được tìm hiểu, lựa chọn thị trường lao động phù hợp và các doanh nghiệp có điều kiện tuyển dụng được các vị trí việc làm như đơn vị mình mong muốn.


Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho bộ đội xuất ngũ năm 2020

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Điện Biên đã giải quyết việc làm mới cho trên 45 nghìn lao động, đạt bình quân trên 9 nghìn lao động/năm. Trong đó, xuất khẩu lao động là 239 người; lao động làm việc tại doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh là 4.800 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2020 giảm còn 2,5%. Bên cạnh đó, trong tổng số gần 53,8 nghìn lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2011-2020), số người có việc làm sau khi học xong nghề là trên 40,7 nghìn người, đạt tỷ lệ 75,7%.


Người lao động bản Lói 1, xã Mường Lói, huyện Điện Biên áp dụng vào thực tế mô hình trồng nấm sau khi được
đào tạo nghề theo Đề án số 1956 của Thủ tướng Chính phủ cho lao động nông thôn. Ảnh: Thành Ðạt

Đặc biệt, một số mô hình đào tạo nghề thí điểm (Trồng và chế biến cà phê; Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà đồi, vườn; Vận hành máy thi công nền...) tỷ lệ học viên có việc làm sau khi học đạt trên 90%. Mặt khác, có 6.389 người được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng, chiếm 15,69% số người có việc làm sau học nghề; có 2.183 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, chiếm 5,36% số người có việc làm sau học nghề; có 31.477 người tiếp tục làm nghề cũ với năng suất lao động, thu nhập tăng lên, chiếm 77,3% số người có việc làm sau học nghề. Thu nhập bình quân tăng thêm từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng; có 671 người thành lập hoặc tham gia các tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp, chiếm 1,65% số người có việc làm sau học nghề./.

Nguyễn Thanh Sơn
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên