Trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn; nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra (trong đó, 14 chỉ tiêu vượt, chiếm 36,8%; 20 chỉ tiêu đạt, chiếm 52,6%); các chỉ tiêu vượt cao như: Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 611 tỷ đồng (tăng 2,44 lần so với Nghị quyết Đại hội XV đề ra); Xây dựng Nông thôn mới (tăng 01 xã)…
Khu Trung tâm hành chính huyện Bắc Yên ngày càng được chỉnh trang, quan tâm đầu tư theo hướng mở rộng
Nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế huyện Bắc Yên có bước phát triển khá; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực và vững chắc hơn. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuỗi giá trị được hình thành. Tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng kinh tế, tạo sức lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng. Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương của Tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc; phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện việc ghép giống cây ăn quả; tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm; ban hành các chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả.
tại HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Sơn Tra Bắc Yên. Ảnh: Tư liệu
Nhờ đó, tiềm năng, lợi thế của Huyện trong sản xuất nông nghiệp dần được phát huy, khai thác có hiệu quả hơn. Giảm dần diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả như ngô, lúa nương; phát triển cây ăn quả, cây lấy củ, cây công nghiệp. Diện tích các loại cây ăn quả tăng mạnh; trong đó: Các xã vùng cao tập trung phát triển táo Sơn tra; các xã vùng thấp phát triển Xoài, Nhãn. Với trên 39% diện tích được áp dụng giống, công nghệ mới; các tiến bộ khoa học được áp dụng nhiều vào sản xuất, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là Trà mây Tà Xùa và Măng trúc muối ớt Háng Đồng; được cấp Nhãn hiệu Chứng nhận Sơn tra Sơn La, Nhãn hiệu tập thể Chè Tà Xùa. Một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước, có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. An ninh lương thực được đảm bảo; đời sống người làm nông nghiệp được nâng lên.
Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm phát triển cả về quy mô và chất lượng: Tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 82.088 con; Tổng đàn gia cầm đạt 279.500 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 7.235 tấn; Thu hút đầu tư dự án Trại lợn Cao Ða với tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng; Quy mô khi hoàn thành đạt khoảng 40.000 con lợn nái và 25.000 con lợn thương phẩm/năm. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; Hoàn thành thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; Trồng mới được 1.819,2 ha rừng; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,6%. Lĩnh vực thủy sản phát triển, bước đầu khai thác lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, lòng suối ở vùng cao để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, cá nước lạnh như cá Hồi, cá Tầm. Diện tích nuôi trồng đạt 54 ha; Sản lượng đạt 627 tấn; Trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 416 tấn, sản lượng khai thác đạt 211 tấn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN tiếp tục có bước phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN tăng nhiều so với năm 2015; các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nước lọc tinh khiết, đồ dùng sinh hoạt từ gỗ phát triển cả về số lượng, chất lượng. Hiện, toàn huyện có 20 cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN; 13 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động với tổng công suất 176 MW, tăng 06 nhà máy với công suất 70,6 MW so với năm 2015. Sản xuất được 2.030 triệu KWh, đóng góp cho ngân sách huyện gần 180 tỷ đồng; các ngành nghề truyền thống địa phương được duy trì, phát triển; hỗ trợ công nghiệp khai khoáng theo quy định. Trong giai đoạn này, trên địa bàn huyện Bắc Yên xuất hiện nhiều ngành chế biến, sản xuất nông nghiệp mới từ những sản phẩm đặc trưng như: Sản xuất, chế biến chè Tà Xùa, rượu Hang Chú, rượu Sơn Tra, Trà Măng Tây và các sản phẩm từ cây Sơn tra (vang, siro Sơn tra)... được đẩy mạnh, mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ, văn hóa các dân tộc đậm đà bản sắc, cùng các di tích lịch sử, văn hóa như: Thiên đường mây Tà Xùa, Đồi chè cổ thụ (xã Tà Xùa); Sống lưng Khủng Long (xã Háng Đồng); Hang A Phủ (xã Hồng Ngài); Suối khoáng nóng Tân Ban, Đồi thông Pu Nhi (xã Phiêng Ban); Hồ Sen (xã Hua Nhàn); Bãi đá khắc cổ Khe Hổ (xã Hang Chú) và một số điểm thắng cảnh và di tích khác. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp về phát triển du lịch, trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, tuyên truyền, quảng bá và thu hút đầu tư để phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, đúng thuần phong mỹ tục, phát huy được những giá trị văn hóa vốn có. Nhờ vậy, du lịch của huyện đã có những bước phát triển mạnh, khách du lịch tăng qua các năm; Giai đoạn 2015-2020 ước đạt 167.000 lượt người: Trong đó, khách quốc tế 1.500 lượt người; Tổng doanh thu ước đạt 82,9 tỷ đồng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện.
Về Chương trình MTQG XDNTM được huyện Bắc Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân; huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chia sẻ, ủng hộ tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Trong 5 năm đã huy động được trên 486 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng được các công trình, hỗ trợ sản xuất và thực hiện các tiêu chí về giáo dục, văn hóa, môi trường; phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết HĐND tỉnh được nhân dân đồng tình. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Ngày về cơ sở xây dựng Nông thôn mới". Năm 2015, toàn Huyện chỉ có 3 xã đạt 5-9 tiêu chí, 12 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân đạt 2,93 tiêu chí/xã; đến năm 2020, có 02 xã Mường Khoa và Phiêng Ban được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 01 xã so với Kế hoạch), 01 xã đạt 15 tiêu chí, 12 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, bình quân đạt 13,1 tiêu chí/xã, tăng 10,17 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác đầu tư phát triển tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, được cả hệ thống chính trị, xã hội quan tâm; các chính sách huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực xã hội hóa được đẩy mạnh nhằm tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, tình trạng đầu tư dàn trải được hạn chế; Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” được thực hiện hiệu quả. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên bản, các công trình điện, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, nhà văn hóa xã, thôn bản... được đầu tư cơ bản đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu, sinh hoạt của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Bắc Yên đã tăng cường thu hút, huy động đầu tư vào các dự án như: Đường đến trung tâm các xã Phiêng Côn, Chiềng Sại, Tạ Khoa, Hua Nhàn; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua thị trấn Bắc Yên, đoạn Đèo Chẹn, Chương trình cấp điện nông thôn... cùng nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khác. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2015-2020 ước đạt 2.887,8 tỷ đồng, tăng 16,4% so với giai đoạn trước; trong đó vốn đầu tư thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia là 957,193 tỷ đồng, đầu tư 517 công trình, cơ sở hạ tầng trên mọi lĩnh vực.
Theo đó, toàn huyện có 14/16 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (bằng 87,5%); 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 16/16 xã có trụ sở làm việc khang trang; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 69,8%; kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực cho sự phát triển; quan tâm công tác y tế, an sinh xã hội; bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc. Có thêm 13 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 17 trường; thêm 9 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, nâng tổng số trạm y tế đạt chuẩn lên 12 trạm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99,5%. Công tác giảm nghèo đạt kết quả cao: Tỷ lệ giảm nghèo từ 39,71% đầu năm 2016 xuống còn 18,38% năm 2020...
Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, Huyện Bắc Yên tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Huyện sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên vươn lên thoát nghèo./.
Lê Văn Kỳ
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên