Phú Thọ - Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

|

Phú Thọ - Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mà Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng, tiếp sức cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
 
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: "Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đang hỗ trợ cho gần 1/3 số hộ dân trong tỉnh vay vốn, qua đó đã góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua 20 năm triển khai, thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, tín dụng chính sách đã thực sự tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước, có vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo; góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn".
 

Được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi bò,
gia đình anh Nguyễn Xuân Nhân - khu Mật 1, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn
đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà kiên cố


 
Tính đến 31/7/2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện 20 chương trình TDCS, gồm các chương trình cho vay: Hộ nghèo; Hộ cận nghèo; Hộ mới thoát nghèo; Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; Người lao động thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hỗ trợ chăn nuôi kết hợp bảo vệ rừng; Hộ nghèo về nhà ở; Cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới, sửa chữa hoặc cải tạo nhà để ở; Học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến… Bình quân mỗi năm, doanh số cho vay đạt gần 1.200 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 7%/ năm.
 

Cán bộ NHCSXH và tổ chức hội đoàn thể xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn thăm hộ vay vốn Hà Văn Lực

 
Giai đoạn từ năm 2018 đến tháng hết 31/7/2022, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã giúp 158.545 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay đạt 5.835.282 triệu đồng (riêng doanh số cho vay 05 chương trình TDCS theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 160.489 triệu đồng). Tổng dư nợ đạt 5.170.745 triệu đồng (tăng 1.479.564 triệu đồng so với cuối năm 2017); bình quân mỗi năm dư nợ tăng gần 296 tỷ đồng. Trong đó có 110.980 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được hỗ trợ vay vốn, bình quân dư nợ đạt 46,59 triệu đồng/ hộ.
 
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH
 
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh chia sẻ thêm: Để thực hiện hiệu quả các chương trình, song song với công tác giải ngân vốn tín dụng CSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt Nghị quyết Ban đại diện HĐQT các cấp, văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng.
 

Khách hàng đến giao dịch tại xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập

 
Hằng năm, NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT ban hành các văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho từng huyện, thành phố thực hiện sát sao các chương trình nói chung, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo nói riêng. Mặt khác, NHCSXH tỉnh cũng chỉ đạo các Phòng giao dịch huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nắm danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn có nhu cầu vay vốn, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng... Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để người dân sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh từng hộ gia đình. Qua giám sát chặt chẽ hằng năm, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn Chi nhánh chỉ chiếm  0,11%/tổng dư nợ (thấp hơn so với bình quân chung của toàn quốc).
 

Mô hình nuôi thỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi của anh Nguyễn Xuân Hòa khu Quyết Thắng, xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: NHCSXH Việt Nam)
 
Tín dụng chính sách thực sự là đòn bẩy
 
Từ chương trình tín dụng chính sách xã hội mà hàng trăm nghìn hộ dân, đặc biệt là những hộ dân thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp thêm động lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 

Cán bộ NHCSXH thị xã Phú Thọ thăm mô hình hộ vay vốn trồng rau màu

 
Ông Hà Văn Lực, dân tộc Mường, thôn Khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, từng được hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Ông Lực chia sẻ: Hơn 10 năm trước gia đình ông Lực gặp nhiều khó khăn do không có vốn đầu tư làm ăn. Chỉ đến khi qua sự hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ thôn, ông Lực được vay 15 triệu đồng của NHCSXH mua trâu nái về nuôi và mua cây giống để trồng rừng. Nhờ làm ăn chăm chỉ mà gia đình có bát ăn, bát để và năm 2020 được xã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, NHCSXH tiếp tục cho gia đình ông Lực vay 50 triệu đồng thuộc chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng diện tích trồng rừng. Nguồn vốn ưu đãi đã “sinh sôi nảy nở” nên đến nay, gia đình ông Lực đã xây được nhà khang trang và "dắt lưng" gần 20 ha keo và bồ đề, 4 con trâu. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Lực thu từ khai thác rừng lãi hơn 100 triệu đồng.
 

Cán bộ NHCSXH huyện Tam Nông tổ chức giải ngân vay vốn chăn nuôi gà tại xã Lam Sơn

 
Kết quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đang triển khai, thực hiện đến đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã thể hiện tín dụng chính sách xã hội là hướng đi đúng đắn, là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, góp phần không nhỏ làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 8,9% (năm 2017) xuống còn 4,4% (tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021)./.
 
                                                                                                                Nghĩa Thủy

 
Một số hình ảnh về hoạt động Tín dụng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ



Cán bộ NHCSXH huyện Cẩm Khê kiểm tra, nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay theo Nghị quyết số 11
của các hộ dân trên địa bàn




Ông Hà Đức Hải, dân tộc Mường, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn chăm sóc và phát triển vườn cam
từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Ảnh: phutho.gov.vn 




Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Thanh Ba, Phú Thọ 



Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Thuỷ tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách 
(Đồng chí Nguyễn Thanh Tĩnh – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh trực tiếp truyền đạt các nội dung)



Huyện Cẩm Khê tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi
đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78 của Chính Phủ




Huyện Lâm Thao Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo
và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ