Giữ vững ổn định chất lượng dạy và học văn hóa
Ông Hồ Sỹ Sùng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn cho biết: Thực hiện chương trình GDTX đối với cấp THPT trên địa bàn huyện Tân Sơn, thời gian qua, Trung tâm có nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy. Xuất phát từ thực tế, chất lượng học sinh đầu vào khá thấp, rỗng kiến thức, ý thức học tập, rèn luyện chưa cao, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt,… Theo đó, Trung tâm đã chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém bổ sung những kiến thức bị rỗng, củng cố những kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng tự học cho các em.
Cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Tổng kết
năm học 2021-2022
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, truyền dạy kiến thức một cách chủ động, xây dựng bài giảng định hướng theo đối tượng người học, tăng cường sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một cách hợp lý. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.
Thầy Hồ Sỹ Sùng - Giám đốc Trung tâm đánh trống Khai giảng năm học mới 2022-2023
Với những nỗ lực của cả thầy và trò, chất lượng giáo dục của Trung tâm những năm gần đây luôn giữ vững và ổn định. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt trở lên đều ổn định và tăng. Năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 30,95% và đạt hạnh kiểm khá, tốt là 91,02% thì đến năm học 2021-2022 con số này là 32,55% và 88,59%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ THPT những năm gần đây đều đạt 100% (riêng năm 2021 tỷ lệ này đạt 93,2%, một phần giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19); Đặc biệt điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm sau luôn cao hơn năm trước. Trên cơ sở đánh giá xếp loại của trung tâm trong toàn tỉnh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp hàng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn luôn đứng thứ hạng từ 6-9/14 đơn vị thực hiện nhiệm vụ GDTX cấp THPT.
Bên cạnh đó, Trung tâm thu hút được ngày càng nhiều học sinh, quy mô lớp học và số lượng học sinh tăng từ 4 lớp học với 115 học sinh năm học 2016-2017 (năm đầu thành lập Trung tâm) tăng lên 8 lớp học với 299 học sinh vào năm học 2021-2022; Đặc biệt, năm học 2022-2023 vừa qua con số này tăng lên thành 12 lớp học với tổng số 532 học sinh, tăng 8 lớp và tăng 417 học sinh so với năm học đầu tiên Trung tâm mới thành lập.
Toàn cảnh buổi Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023
Đào tạo nghề gắn với công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục văn hóa, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tân Sơn còn triển khai các chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Các khóa học được tổ chức linh hoạt và tăng cường tính thực hành, ngành nghề đào tạo thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường, thời gian học có thể từ ngắn hạn tới dài hạn. Trung tâm hướng tới xây dựng thành một cơ sở giáo dục đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Cụ thể, đối với nhóm đối tượng học sinh, Trung tâm tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học văn hoá, vừa học trung cấp nghề, thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông- Công an huyện Tân Sơn,
Đài phát thanh huyện Tân Sơn, Huyện đoàn Tân Sơn tổ chức buổi tuyên truyền về ATGT
đến toàn thể Cán bộ, GV và hơn 500 học sinh của Trung tâm
Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người học, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện Tân Sơn. Trung tâm đã phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề có uy tín, có đủ điều kiện để liên kết đào tạo như: Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, trường Trung cấp Nghiệp vụ Sông Hồng, trường Trung cấp Quốc Tế - Hà Nội, trường Trung cấp Việt – Mỹ… Theo đó, trong 4 năm từ năm 2018 đến năm 2021, Trung tâm đã phối hợp tuyển sinh và đào tạo được 13 lớp với tổng số 420 học viên. Năm 2022, Trung tâm dự kiến mở 10 lớp với tổng số 315 học viên. Các ngành nghề đào tạo cũng tương đối đa dạng như: Xây dựng, lắp đặt điện nước, điện dân dụng, vận hành máy và thi công nền, chăm sóc sắc đẹp, hướng dẫn viên du lịch, chế biến món ăn,… số học viên sau khi ra trường có việc làm hoặc tự tạo việc làm cao và cho thu nhập ổn định.
Đồng chí Hồ Sỹ Sùng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn tham gia giám sát thực hành
lớp may công nghiệp
Ngoài ra, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tân Sơn, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã trong huyện để tổng hợp nhu cầu cần đào tạo, trên cơ sở nhu cầu của người học xây dựng kế hoạch trình UBND huyện phê duyệt. Kết quả, trong 5 năm giai đoạn 2018-2022 Trung tâm đã tổ chức đào tạo cho 1.805 người lao động với các ngành nghề chủ yếu: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, may công nghiệp, hàn, điện… Nhờ vậy, sau khi kết thúc khóa học, nhiều bà con áp dụng kiến thức đã học được để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi, trồng cây; hàng trăm lao động phi nông nghiệp có thể tự tạo việc làm hoặc được tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo khảo sát, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập chiếm khoảng trên 85%.
"Trong thời gian tới, với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện (GDTX cấp THPT và giáo dục nghề nghiệp), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn thực hiện đồng bộ một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau: Tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, đặc biệt Đề án 1956 của Chính phủ; Cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học mới; Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện; Tăng quy mô lớp học và học sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, kế hoạch đến năm 2025 (khối GDTX cấp THPT sẽ ổn định 21 lớp với 945 học sinh; khối GDNN bình quân 600 học viên/năm).
Lãnh đạo Trung tâm thăm giờ học thực hành lớp sửa chữa máy nông nghiệp
Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho UBND huyện Tân Sơn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo đủ điều kiện dạy và học trong những năm tiếp theo; Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp và các trường cao đẳng, đại học để đào tạo nghề cho lao động, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào việc ổn định, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Tân Sơn nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung", ông Sùng cho hay./.