Bắc Ninh - Dấu ấn 25 năm khát vọng vươn lên khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

|

Bắc Ninh - Dấu ấn 25 năm khát vọng vươn lên khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Sau 25 năm kể từ ngày tái lập (1997-2022), với khát vọng vươn lên, thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, góp phần quan trọng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Sau 25 năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh luôn đạt ở mức cao, có năm tăng trên 19%. Bình quân giai đoạn 1997–2021 tăng 13,89%/năm, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 372,1 triệu đồng/lao động/năm, tăng 92 lần so với năm 1997 (4,0 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, nếu năm 1997 mới chỉ đạt 2,019 nghìn tỷ đồng (tương đương 182,6 triệu USD), xếp thứ 8/11 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và đóng góp không đáng kể (0,64%) vào GDP cả nước, thì đến năm 2010, quy mô GRDP (giá hiện hành) đã là 38,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 1.984 triệu USD), gấp 19,1 lần năm 1997, chiếm 1,8% GDP cả nước; xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng và ở nhóm trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước và cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, đã tạo đà để Bắc Ninh “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy mô GRDP đã tăng lên 227,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 9.878 triệu USD), gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 112,7 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2007, đạt 2,2 triệu đồng/người, đứng thứ 43/63 tỉnh/thành phố trong cả nước, đến năm 2016 đạt 116,4 triệu đồng/người, đứng thứ 2/63 tỉnh/thành phố trong cả nước và đến năm 2021 đạt 155,6 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 70,7 lần so với năm 1997 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 77,33%; năm 1997 chỉ chiếm 23,77%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 31,15% năm 1997 xuống 16,07% và khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ mức 45,07% năm 1997 xuống còn 2,70% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.

 
Hình 1: Cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh từ năm 1997 đến 2021 (%)
 

Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh số thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 198 tỷ đồng, không đáp ứng được nhu cầu chi, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ một phần. Nhờ các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch đồng bộ đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, nên từ năm 2011, Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm); năm 2015, số thu nội địa đã vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2021 là 23,7%/ năm; tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP tăng từ 9,8% năm 1997 lên 14,6% năm 2021; trong tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa ước đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 76,7%/tổng thu ngân sách nhà nước và gấp 156 lần năm 1997. Chi ngân sách địa phương được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, thực hiện ưu tiên cho đầu tư phát triển, đã tạo động lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, gấp 86 lần năm 1997; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997- 2021 là 20,5%/năm, thấp hơn mức tăng thu ngân sách. Tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển đã tăng từ 19,9% năm 1997 lên 47,5% năm 2021; tỷ lệ chi đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội trong chi thường xuyên tăng từ 1,7% năm 1997 lên 7,9% năm 2021.

Thu hút đầu tư của tỉnh thực sự đã trở thành“điểm sáng” của cả nước. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 2 DN FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 141,3 triệu USD, đến 31/12/2010, tăng lên 220 dự án FDI được cấp phép (còn hiệu lực), với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh 2,59 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh đã thu hút được 1.497 dự án và 18,6 tỷ USD vốn đăng ký; so với giai đoạn 1997-2010, gấp 6,8 lần về số dự án và gấp 7,2 lần về số vốn đăng ký. Như vậy, tính đến hết năm 2021, Bắc Ninh đã có 1.717 dự án FDI (còn hiệu lực) được cấp phép với tổng vốn đầu tư 21,2 tỷ USD; xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký. Hiện nay, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, chỉ có 460 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 1.418 tỷ đồng, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng trên 29 lần so với năm 1997) với vốn đăng ký đạt trên 950 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm đưa kinh tế ngoại thương là điểm sáng trong thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, với việc thu hút vốn đầu tư từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt 20,4 triệu USD, chỉ bằng 0,2%/tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng thứ hai cả nước.

Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tính đến hết năm 2020, 100% các xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó, 05 huyện (Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành) và thành phố Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới. Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm được tích cực triển khai, năm 2020 đã có 33 sản phẩm của Chương trình OCOP được công nhận, trong đó có 30 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao; năm 2021 tiếp tục tổ chức khảo sát, lựa chọn, trình phê duyệt danh mục 110 sản phẩm của 65 chủ thể tham gia.

Hệ thống đô thị toàn tỉnh được tập trung đầu tư nâng cấp, năm 1997 toàn tỉnh có 08 đô thị, trong đó 01 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đến nay, toàn tỉnh có 9 đô thị trong đó 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 01 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 02 đô thị loại IV (Quế Võ và Thuận Thành) và 5 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa từ 9% năm 1997 lên 38% năm 2021.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hiện 100% các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được nhựa hóa; tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Nội Bài – Hạ Long chạy qua tỉnh với nhiều nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, loại hình logistic, đã xuất hiện với hệ thống các cảng cạn ICD và 14 trung tâm kho vận logistics, đã giúp quy mô ngành vận tải của tỉnh tăng nhanh.

Không chỉ đạt được những kết quả tích cực trong kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Bắc Ninh trong 25 năm qua cũng đạt được những thành tựu nhất định, nhiều chỉ tiêu đứng đầu của cả nước. Theo đó, Bắc Ninh thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, quy mô được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng lên, là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ 100% kiên cố hóa phòng học trường công lập và 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia và cũng là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt từ 97-99%; số học sinh thi đỗ đại học nguyện vọng 1 và đi học đại học hằng năm từ 45 - 60%, luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh có phong trào giáo dục phát triển mạnh dẫn đầu của cả nước. Năm học 2021-2022, tỷ lệ trình độ đạt chuẩn của cán bộ quản lý và giáo viên các cấp là 93,06%; trên chuẩn 32,47%. Hệ thống các trường dạy nghề tăng cả về số lượng, quy mô học sinh, chất lượng và hình thức đào tạo, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 18,1% năm 1997 lên 76% năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ, bằng cấp) từ 7,8% năm 1997 nâng lên 28,3% năm 2021.

Công tác y tế có nhiều tiến bộ, công nghệ và kỹ thuật trong y học được ứng dụng đã giúp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và tăng tuổi thọ nhân dân, tỉnh đã triển khai đồng bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Đến năm 2018, 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020 và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân tại trạm y tế; mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 93,5% năm 2021; tuổi thọ bình quân đạt 74,4 năm…

Các công tác khác như: Văn hóa, thể thao và du lịch được chú trọng, phát triển toàn diện góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân gắn với bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai khá toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,7%; làng, khu phố văn hóa đạt 92,2%.

Chính sách giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động; an sinh xã hội được đảm bảo, mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bình quân mỗi năm, đã giải quyết việc làm mới cho từ 28-30 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 đạt 76%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 10,35% năm 1997 (theo tiêu chí giai đoạn 1997-2000) xuống còn 1,15% năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhờ đó, chỉ số HDI năm 1997 đạt 0,67 thuộc nhóm tỉnh có chỉ số HDI thấp, đến năm 2021 đã đạt 0,85 thuộc nhóm tỉnh, thành phố có chỉ số cao…

Có thể thấy, sau 25 năm tái lập với bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tỉnh Bắc Ninh đã thực sự khẳng định vị thế là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Thời gian tới, với mục tiêu tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và của cả nước. Đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh… Tin tưởng rằng, với những giải pháp căn bản, đồng bộ và sự thống nhất, nỗ lực, Bắc Ninh tiếp tục ghi dấu, trở thành một trong những tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của người dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước./.
Khổng Văn Thắng
Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh